Nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) là một trường hợp khác biệt trên thi đàn Việt Nam. Ngoài 2 công trình nghiên cứu Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (đồng tác giả với nhóm Lê Quý Đôn) và Nguyễn Đình Chiểu - Nhà chí sĩ yêu nước, cùng xuất bản năm 1957, thì trong 93 năm tuổi đời và 80 năm làm thơ, ông chỉ xuất bản duy nhất tập thơ Đôi mắt năm 1975.
Đến khi thi sĩ Vũ Đình Liên qua đời ngày 18-1-1996, tác phẩm Thơ Baudelaire mà ông đã nghiên cứu, dịch thuật trong 40 năm mới xuất bản và được Hội Nhà văn Việt Nam trao thưởng năm 1996. Di cảo của nhà thơ Vũ Đình Liên còn có tập thơ viết tay Người kỹ nữ cầu Trò được chuẩn bị công phu gần 20 năm vẫn chưa có dịp ra mắt.
Tác giả Ông đồ yêu thơ và làm thơ rất sớm, từ khi mới 13 tuổi. Ông từng tự trào “nghịch ngầm” rằng: “Từ thuở mười ba thuộc Truyện Kiều/ Câu thơ tài mệnh bóng hình yêu/ Tú Xương ngày trước là tri kỷ/ Công Trứ cây thông cũng muốn trèo...”.
Vũ Đình Liên còn nổi tiếng thương người vô điều kiện, mà trong giới văn nghệ Hà thành còn truyền tụng nhiều giai thoại. Ông luôn yêu quý bạn bè đồng nghiệp và chăm nom cả con cháu họ lúc khó khăn. Tấm lòng ông rộng mở với những người cùng khổ bất hạnh. Câu chuyện của ông với người đàn bà điên ở Lưu Xá, Thái Nguyên và người kỹ nữ ở cầu Trò, Sơn Tây được truyền tụng và là nguồn cảm hứng cho ông viết nên những bài thơ xúc động.
Sinh thời, trong những lần tiếp chuyện chúng tôi ở gác Hương Lửa, góc phố Bà Triệu - Trần Nhân Tôn giữa Hà Nội, nhà thơ Vũ Đình Liên hay kể về chuyện người kỹ nữ cầu Trò bằng nỗi lòng trắc ẩn. Theo ông, cầu Trò được xây dựng từ năm 1697 ở thôn Gia Hòa, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
Trong dân gian có 2 truyền thuyết về chiếc cầu cổ này. Thứ nhất là chuyện nữ thần công chúa Ý Đức, con vua Hùng Chiêu Vương, phù hộ vua Trần Thánh Tông đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược. Thứ hai là chuyện người kỹ nữ tài hoa bạc mệnh, mà Vũ Đình Liên đã bị ám ảnh, mê hồn trong tiếng cầm ca vọng về tâm thức, tạo cho ông nguồn thi hứng viết nên những câu thơ đầy cảm thông.
Ông nhớ lại: “Cuối năm 1972, tôi cùng gia đình sơ tán lên huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Một hôm từ thị xã về, tôi cùng người bạn địa phương đi qua cái cầu xi măng, cầu khá dài. Hỏi người bạn, tôi được biết đây là cầu Trò và lai lịch của cái tên. Nguyên ngày xưa có cô nhà trò đi hát đêm, sáng sớm về qua lạch nước con thì gặp mưa gió, bị cảm lạnh và chết. Dân làng đem chôn trên bờ ngòi và lập miếu thờ”.
Dù người bạn kể chuyện một cách bàng quan nhưng đã để lại trong lòng nhà thơ Vũ Đình Liên niềm xót thương day dứt, như có một cái gai nhọn cắm sâu vào da thịt không sao nhổ được.
“Ông đồ hiện đại” nghĩ đến số phận đáng thương của những người phụ nữ nghèo khổ, có chút nhan sắc, có chút tài hoa đã phải mang tài sắc ấy mua vui cho những kẻ quyền quý giàu sang, cuối cùng phải chết một cách đau thương như Đạm Tiên trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du hay nàng Fantine trong Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo. Và sau nửa năm trăn trở với câu chuyện thương tâm về người kỹ nữ yểu mệnh, nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết nên bài thơ Cầu Trò:
“Đường về Hà Nội, cầu Trò qua/ Nghe chuyện người xưa, dạ xót xa/ Đêm tiệc ai say làm phách đổ/ Mai sương người thấm lớp mưa sa/ Hai manh xiêm áo, khôn ngăn giá/ Nửa kiếp phong trần luống rụng hoa/ Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ/ Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca”.
Đến cuối năm 1974, sau một cuộc nói chuyện với các bạn văn trẻ, nhà thơ Vũ Đình Liên về phòng nằm trằn trọc nhớ về một người bạn đã mất và liên tưởng đến câu chuyện ca nữ cầu Trò. Ông nghĩ ở thế giới bên kia, có thể bạn mình sẽ gặp người kỹ nữ tài hoa và ông cao hứng viết bài thơ gửi bạn rất... liêu trai.
Nhà thơ nhớ lại: “Tôi vừa đặt bút thì bỗng nhiên thấy trong lòng có một rạo rực lạ lùng như có một sự cố gì bất thường sắp xảy ra. Một cơn gió lạnh nổi lên từ phía Bắc, thổi lùa vào cánh cửa phòng, đưa theo tiếng người vừa xa, vừa gần, ngâm hai bài thơ như từ phương trời âm u nào vọng tới. Tôi vội vàng ghi lại hai bài thơ và ngạc nhiên, hoảng hốt thấy bài thơ thứ nhất họa đúng vần bài Cầu Trò của tôi”. Bài thơ như sau:
“Một mái liêu xiêu năm tháng qua/ Bên cầu nắng dãi với mưa sa/ Trăm năm chồng chất oan hồn nặng/ Nửa kiếp lạnh lùng ân ái xa/ Thuở mới trời nghiêng hồn xót nước/ Chuyện xưa cành gãy khách thương hoa/ Cõi âm bừng dậy hơi dương ấm/ Lòng bắt đầu tan hận xướng ca”.
Và khi nhà thơ Vũ Đình Liên chép đến 2 câu cuối bài thơ thứ hai “Tạ lòng người biết nên chi được/ Phách ngọc gieo thêm một nhịp vàng” thì chợt như thấy dưới ánh đèn khuya mờ ảo hình ảnh của một kỹ nữ yểu điệu ngồi trên chiếu hoa, nâng nhẹ 2 chiếc dùi mở đầu một nhịp phách nửa buồn nửa vui ngỡ tiếng lệ rơi trên tà áo lụa, tiếng ngọc rơi trên mâm vàng... Một không gian thơ liêu trai đến não lòng!
Thi sĩ Vũ Đình Liên quê gốc Hải Dương, sinh ở Hà Nội. Ông đậu tú tài Trường Bưởi năm 1932. Ông vừa học Đại học Luật vừa đi dạy học kiếm sống tại các trường tư thục, viết báo, làm thơ, rồi tự đứng ra mở báo Tinh Hoa.
Thời 9 năm chống Pháp, ông tham gia kháng chiến rồi quay trở lại nghề sư phạm, giữ một số chức vụ ở Bộ Giáo dục, đến năm 1962 làm Chủ nhiệm Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đào tạo giáo viên làm chuyên gia tiếng Pháp cho các nước bạn.
Theo ông, giữa nhà thơ và nhà giáo có mối liên quan mật thiết: “Lịch sử Việt Nam và thế giới cho thấy nhiều nhà thơ đồng thời là nhà giáo. Tình nhân ái trong thơ họ hết sức sâu sắc, cao đẹp.
Nhà thơ - thầy giáo lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi đã tâm sự rằng: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn sóng triều đông”. Tôi đi đâu cũng nghe người ta bảo, không có nhà thơ nào trên thế giới nói tình nhân ái bằng hình tượng “sóng triều đông” độc đáo như Nguyễn Trãi”.