Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: Còn đây nét dịu dàng pha lẫn trầm tư

Có lẽ, một trong những điều kỳ diệu của văn chương là không cần tiếp xúc trực tiếp tác giả, chỉ cần đọc qua tác phẩm cũng đủ hình dung tính cách, con người của họ như thế nào. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy (ảnh), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM, là trường hợp như vậy.
Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: Còn đây nét dịu dàng pha lẫn trầm tư

1. Đến với thơ từ sớm, nếu tính cột mốc từ tập thơ đầu tiên Dòng sông khoảng đời (Hội Văn nghệ Phú Khánh, in cùng Thu Hương và Khánh Mai) vào năm 1984, đến lúc này, hành trình thơ của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy cũng ngót nghét 40 năm. Hành trình đó diễn ra liên tục, dù bà phải trải qua những cuộc dịch chuyển từ nhiều nơi, qua nhiều công việc khác nhau.

Bà bảo, việc làm thơ hầu như chưa bao giờ dừng lại, ở giai đoạn nào bà cũng chăm chú viết nên những bài thơ của mình, từ thơ người lớn đến thơ thiếu nhi. “Nó xuất phát từ lòng yêu thương cuộc sống, yêu thương mỗi sự vật sự việc, mỗi con người đến với mình. Điều đó quan trọng lắm. Bởi chỉ khi có yêu thương, có cảm xúc, mình mới có thể viết thành thơ được”, bà bộc bạch.

Đọc thơ Tôn Nữ Thu Thủy, điều dễ dàng nhận thấy là bà không chú trọng đánh bóng ngôn từ nhưng những bài thơ vẫn có cảm xúc, tứ thơ mạnh. Giống như người, những câu thơ của bà mang đậm căn tính nữ, nhẹ nhàng và dịu dàng, thêm chút trầm lắng của người con gái Huế. Bà dùng thơ để tự khắc họa mình: “Trong không gian trắng/ Có người biết mình yêu điều gì, cần phải làm gì/ Cặm cụi bên những vi mạch từng ngôn ngữ, kết nối sinh sôi cho đời”.

Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy chia sẻ, bà thường viết theo sự thôi thúc từ bên trong. Đó chính là mong muốn để xóa đi những sự quên lãng trong thời gian, sự trống vắng trong cuộc sống. Sự thôi thúc đó còn đến từ mong muốn đền đáp cuộc sống, bởi như bà nói, bà hàm ơn cuộc sống nhiều lắm. Ngoài để giãi bày, bộc lộ tâm tư, cảm xúc của mình, thơ còn là nơi để bà hướng lòng mình đến tha nhân.

Trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy, phụ nữ, trẻ em, những người lao động… xuất hiện tương đối nhiều. Như khi bắt gặp một em nhỏ trên đường, bà viết: “Mẹ đi bán rau, mẹ vẫn chưa về/ Em ngồi chơi với đồng tiền lá…/ Mẹ đi đâu chưa về mẹ ơi/ Mẹ nói ba không còn ở trên đời/ Làm sao con đi một mình không có mẹ/ Con đói quá, con mệt quá/ Con buồn ngủ quá…”.

Nhà thơ trải lòng: Khi viết, tôi đặt cái tâm của mình vào trong hoàn cảnh của từng đối tượng, để lột tả được nỗi khổ, hay nói cách khác là chia sẻ những phận đời nhỏ bé, yếu đuối, cùng cực. Điều này xuất phát từ tình thương tự nhiên trong lòng và từ bé tôi đã có khuynh hướng sống hướng về những mảnh đời bé nhỏ như vậy.

2. Nhắc đến văn chương của Tôn Nữ Thu Thủy, có lẽ phải nhắc đến thơ thiếu nhi, dù đến nay bà mới chỉ in 2 tập. PGS-TS Trần Hoài Anh từng nhận định: “Thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy là sự hóa thân của chính mình nên chân thành, cởi mở, đạt một hiệu ứng mỹ cảm diệu kỳ như sự diệu kỳ của tuổi thơ, mà điều làm nên sự diệu kỳ ấy không chỉ ở thi pháp mà còn ở tính nhân bản trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy”.

Tập thơ thiếu nhi đầu tiên của Tôn Nữ Thu Thủy là Hoa hồng xanh, in năm 1998. Thời điểm đó, bà đã chuyển vào TPHCM sinh sống được 10 năm sau chừng đó thời gian dạy học ở Nha Trang (Khánh Hòa). Khi vào TPHCM, ngoài 2 cậu con trai được sinh ở Nha Trang, bà có thêm 2 cậu con trai sinh đôi nữa. Sống giữa những tiếng khóc tiếng cười trẻ thơ là một trong những lý do dẫn lối, đưa bà đến với thơ thiếu nhi.

Ngoài ra, theo chia sẻ của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, một người bạn là nhà giáo Kim Quy từng nói với bà: “Đôi khi người ta vui sống là vì còn có một thiên đường trong lòng mình”. Đó chính là lý do lớn nhất khiến bà thích nói và viết về tuổi thơ, bởi đó là thiên đường không cách gì quên được.

“Khi viết cho tuổi thơ, tôi cảm thấy như đang được sống trong thiên đường của mình. Mình gọi tên từng góc phố, con đường, từng bông hoa, từng vẻ đẹp của thiên nhiên hay gọi tên những người thân yêu trong gia đình mình… Tất cả bỗng nhiên biến thành thơ thiếu nhi”, nhà thơ tâm sự.

“Khi viết cho thiếu nhi, tôi có một niềm vui bất tận vì những đề tài cho thiếu nhi phù hợp với tâm hồn mình, vừa được hồi tưởng, vừa được sống cùng trong đó, đồng thời được chia sẻ với tuổi thơ thế giới trong trẻo đó”, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy chia sẻ.

Gia đình bà sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Âu Dương Lân (quận 8) suốt 35 năm qua. Bà sắp sửa chào đón cháu nội thứ 2. Giống như khi chào đón những cậu con trai, giờ đây, cháu nội lại trở thành nguồn cảm hứng để bà sáng tác thơ cho thiếu nhi. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy bảo, bà có một nguyên tắc, là dù viết cho con hay cháu thì cũng đòi hỏi phải có cảm xúc thật.

Bước sang tuổi 70, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy vẫn giữ được sự tinh anh và nhã nhặn của cô gái Huế có dòng dõi Tôn Nữ, với lối nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng. Dù không còn sung sức như xưa, nhưng câu thơ của 6 năm trước: “Cặm cụi bên những vi mạch từng ngôn ngữ, kết nối sinh sôi cho đời” vẫn giống như “sợi chỉ đỏ” với bà lúc này.

Viết ít nhưng tâm hồn thơ đó vẫn không thôi thổn thức với cuộc đời, với con người. Bà vẫn muốn thơ mình mới mẻ nên từng đề tài đều phải viết theo một góc nhìn mới. Những bài thơ, kể cả thơ thiếu nhi, cũng không được lặp lại chính mình, mỗi bài là một thực thể, một góc nhìn mới, là một sự riêng biệt, duy nhất.

Có lẽ vì thế mà suốt 40 năm qua, “gia tài” văn chương của nhà thơ mới dừng ở 8 tác phẩm (7 tập thơ và 1 tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi). Đây quả thực là một con số ít ỏi nếu so với quãng thời gian dài như vậy.

Chưa kể, tập thơ gần nhất - Dưới mái nhà xanh (NXB Văn hóa - Văn nghệ) ra đời đến nay cũng đã được 6 năm. “Tôi muốn dành thời gian để chắt lọc, tuyển chọn vừa ý, khi nào cảm thấy bản thảo được, mới in thành tập”, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy tâm sự.

Tin cùng chuyên mục