Nhà văn Lê Quang Trạng: Văn học thiếu nhi cần được vun bồi

Những ngày đầu năm 2024, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (sinh năm 1996) liên tiếp nhận tin vui. Sau giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, truyện dài Cá linh đi học (NXB Kim Đồng) tiếp tục được vinh danh là 1 trong 10 cuốn sách nổi bật của năm 2023 tại lễ vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023. Dịp này, Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với anh.

cn3-tro-chuyen-5569.jpg
Nhà văn Lê Quang Trạng hiện sống và làm việc tại An Giang

PHÓNG VIÊN: Trước khi nhận giải Văn học thiếu nhi, tác phẩm Cá linh đi học của anh từng lọt vào chung khảo giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 năm 2022 nhưng tiếc là không có giải. Hành trình này hẳn cũng mang lại cho anh nhiều cảm xúc?

Nhà văn LÊ QUANG TRẠNG: Tôi nghĩ rằng, mỗi cuộc thi, mỗi giải thưởng đều có những tiêu chí, góc nhìn và sứ mệnh riêng trong việc chấm chọn, nên việc có được xướng tên ở cuộc thi, giải thưởng hay không đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố riêng ấy, trong đó có cả may mắn.

Thật ra khi biết tin Cá linh đi học không đoạt giải Dế Mèn, tôi có thoáng buồn. Không phải vì mình không đoạt giải, mà buồn vì mình không nhận ra sự yếu kém chỗ nào của tác phẩm để hoàn thiện nó hơn. Nhưng tôi vui và may mắn khi được các anh chị góp ý về những chỗ chưa phù hợp, những chi tiết cần phải chỉn chu hơn… Nhờ đó mà tôi đã có thể hoàn thiện chú “Cá linh” hơn, may cho chú tấm áo mới xinh như bạn đọc thấy chú hôm nay. Có lẽ nhờ vậy mà khi được xuất bản, chú “Cá linh” của tôi đã đủ sức bơi đi xa và trưởng thành hơn!

Dù chỉ đến với văn học thiếu nhi mới đây, nhưng hai tác phẩm của anh: Thủ lĩnh băng vịt đồng (2019) và Cá linh đi học (2023) đã nhận được sự yêu thích từ khi trình làng. Anh có nghĩ lẽ ra mình cần đến với văn học thiếu nhi sớm hơn?

Tôi may mắn khi được bén duyên với văn chương từ khi còn là cậu học trò 12, 13 tuổi. Những trang viết đầu đời của tôi hầu hết là viết về thiếu nhi, tuy nhiên khi ấy tôi còn non trẻ quá, chưa biết làm sao để tác phẩm chỉn chu hơn. Sau này, khi đã có một số tác phẩm được xuất bản, tôi vẫn luôn nghe thấy những câu chuyện tuổi thơ mà tôi chưa kịp viết hết ra, xôn xao bên tai mình. Tôi tập viết lại và tôi thấy mình như cá gặp nước. Thật may mắn khi tôi đã viết được tròn văn, tròn câu thì những cảm xúc, câu chuyện và sự mẫn cảm với tâm hồn trẻ thơ trong tôi vẫn còn vẹn nguyên, đầy sức sống. Tôi cho ra đời 2 truyện dài thiếu nhi trong tâm thế của một người lớn mà tâm hồn vẫn còn xanh một góc trẻ thơ!

“Nhiều năm trước đây, khi nghe các bạn viết quanh mình cho rằng “văn học thiếu nhi là văn học của trẻ con”, tôi khá bất ngờ và buồn lòng. Tôi nghĩ văn học thiếu nhi là một trong những địa hạt của văn học, viết cho độc giả chính là thiếu nhi, chứ không phải là một khía cạnh văn học “non trẻ”. Minh chứng là, trên thế giới có khá nhiều giải thưởng văn học danh giá dành riêng cho văn học thiếu nhi, và nhà văn viết cho thiếu nhi Rudyard Kipling cũng từng đoạt giải Nobel văn học năm 1907. Mặc dù vậy, không phải bất cứ nhà văn nào cũng viết được, viết thành công về văn học thiếu nhi, mà đòi hỏi anh ta phải có tài năng, tâm huyết và một tâm hồn mẫn cảm với những điều muốn nói của thiếu nhi và thời đại. Chính vì thế, tôi nghĩ văn học thiếu nhi là một lĩnh vực cần thiết phải vun bồi bởi tầm quan trọng và vị trí ngang hàng, không thua kém gì các thể loại khác”, nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ.

Cả hai truyện dài dành cho thiếu nhi của anh đều lựa chọn thể loại đồng thoại, khai thác yếu tố bản địa của miền Tây sông nước. Đây là chủ ý của anh khi đến với văn học thiếu nhi?

Tôi là người yêu thích động vật. Tôi có nhiều kỷ niệm và câu chuyện với những con vật xung quanh mình, và luôn thấy thích thú quan sát, chuyện trò với những người bạn nhỏ như vậy. Chính vì thế, tôi nghĩ ưu thế này có thể giúp mình viết truyện đồng thoại được. Có lúc tôi nghĩ rằng mình sống khá nội tâm, trong những năm tuổi thơ và khi học đại học, tôi thường chơi với sách vở, tự chơi với chính mình nhiều hơn nên tôi có được một thế giới nội tâm phong phú, rất thuận lợi để tôi triển khai đồng thoại. Đây là chủ ý mà tôi đã tính trước, khi đặt bút viết nên câu chuyện.

Có ý kiến cho rằng, văn học thiếu nhi của Việt Nam vẫn còn nghiêm túc quá mà thiếu vắng những tiếng cười, những màn quậy phá tưng bừng... Anh nghĩ sao về ý kiến này, và Cá linh đi học của anh còn điều gì gây tiếc nuối không?

Tôi nghĩ do sự hướng nội của người Á Đông, nhất là người Việt, chuộng sự nhẹ nhàng, tinh tế và khuôn phép khi dạy trẻ đã có ảnh hưởng đến tâm thức sáng tác của các nhà văn. Quả đúng là văn học thiếu nhi nước ta thiếu những màn quậy phá tưng bừng và những tiếng cười bất ngờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cái “hài” rất tinh tế và khôn ngoan của người Việt là một kho tàng quý báu để những người viết cho thiếu nhi tham khảo. Theo sự phát triển của xã hội, tôi nhận thấy đã có một số tác phẩm văn học thiếu nhi phá cách và mới mẻ xuất hiện, hứa hẹn những tiếng cười mới ở tương lai.

Tôi không nuối tiếc sau khi viết xong Cá linh đi học, vì tôi nghĩ ở lúc đó, giai đoạn đó tôi đã làm hết sức mình. Tuy nhiên, ở tác phẩm tiếp theo mà tôi đang viết, tôi luôn dặn lòng phải viết mới hơn, tốt hơn nữa. Tôi mong muốn tạo nên một tác phẩm có hướng tiếp cận thật thú vị dành cho các em thiếu nhi.

Là một tác giả đang nổi lên ở miền Tây hiện nay, anh thấy văn học thiếu nhi của miền Tây đang có những điểm mạnh gì mà khu vực khác không có? Và làm thế nào để khai thác điểm mạnh này?

Tôi nghĩ rằng, có nhiều cách để khai thác sức mạnh tiềm ẩn của văn học thiếu nhi miền Tây. Ngoài sự tự vận động tất yếu của cá nhân tác giả thì các hội thảo, các cuộc gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi… về văn học thiếu nhi cũng sẽ tạo ra từ trường để vừa thu hút vừa tìm kiếm tài năng lẫn tác phẩm chất lượng. Nếu các yếu tố ấy được thực hiện một cách khoa học và nhịp nhàng, tôi tin rằng sẽ có một bước đà cho sự nhảy vọt của văn học thiếu nhi nước nhà nói chung và văn học thiếu nhi miền Tây nói riêng.

Tin cùng chuyên mục