>> Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ở tuổi 76
(SGGPO).- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như một khách lãng du, chỗ nào buồn chân dừng lại, cảm xúc đủ dạt dào thì viết một bài hát, chơi một bản đàn…
Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà tôi được nghe là Không, và thú thật không thích, vì lúc đó tôi vừa vào học cấp 3, tình yêu là điều gì đó cuốn hút, lạ lẫm và tuyệt vời, nên những câu từ “Không! Không! Tôi không còn tôi không còn yêu em nữa…” nghe buồn chán, tuyệt vọng lắm.
Phải sau đó cả chục năm, khi nghe những tình khúc khác của ông như Tình khúc dưới mưa, Buồn ơi chào mi, Tình yêu đến trong giã từ... lúc đó tôi bắt đầu thích, vì khi trải qua đủ cung bậc tình yêu mới thấu hiểu ca từ của ông.
Sau này gặp ông, tôi còn quý mến ông hơn nữa, bởi vì ông là một người rất khiêm tốn, với vóc dáng mảnh mai, ăn nói nhỏ nhẹ, ông không bao giờ tự nhận mình là một nhạc sĩ, mà chỉ nhận mình là một người viết ca khúc.
Ông như một khách lãng du, chỗ nào buồn chân dừng lại, cảm xúc đủ dạt dào thì viết một bài hát , chơi một bản đàn…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ngày 14-4-2016, hưởng thọ 76 tuổi. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Sinh ra trong một gia đình khá giả, nề nếp nhưng chàng trai Nguyễn Đình Ánh lại không chọn con đường sự nghiệp bằng phẳng là công chức hoặc giáo viên như gia đình mong muốn mà lại đam mê nghệ thuật. Sau khi học dương cầm, sự khao khát phiêu lãng khiến ông quyết định bỏ nhà để đi biểu diễn tại các quán bar, nhà hàng nổi tiếng, và phải đến 7 năm sau, khi quyết định lập gia đình, ông mới dẫn vợ chưa cưới về xin cha mẹ tha thứ để tổ chức đám cưới.
Nổi lên như một tay chơi đàn điêu luyện, ông đã đệm đàn cho rất nhiều ca sĩ tên tuổi, trong đó có những người mới đi những bước đầu tiên vào nghiệp ca hát, như Khánh Ly. Một bộ ba nhạc sĩ - Trịnh Công Sơn, ca sĩ - Khánh Ly và người đệm đàn - Nguyễn Đình Ánh đã kết hợp với nhau rất thành công.
|
Tình bạn với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn còn đưa ông đến với một bờ bến mới trong lĩnh vực âm nhạc: Trở thành người sáng tác. Bài hát đầu tiên nảy ra trong đầu ông chính là trong thang máy ở Tokyo, Nhật Bản, khi Khánh Ly vô tình hỏi về người yêu cũ của ông, ông đã ngẫu hứng trả lời bằng cách vừa đàn vừa hát những câu đầu tiên của bài Không nổi tiếng. Và cũng từ đó mới sinh ra tên gọi Nguyễn Ánh 9 - nghệ danh đã đi theo ông đến hết cuộc đời.
Người mới sáng tác thường hay “viết tự truyện”, tức là lấy những câu chuyện của bản thân mình ra để sáng tác, nhưng Nguyễn Ánh 9 đã thoát ra được khỏi “chiếc áo” này, hầu hết những tình khúc của ông đều không liên quan đến bản thân mà đấy là những chuyện tình của bạn bè, nghe người khác kể lại.
Một lần trú mưa bên hiên nhà dọc đường, thấy một đôi nam nữ rất tình tứ với nhau, người con trai ôm người con gái để che những giọt mưa bắn vào, ông chợt tự hỏi không biết mai đây họ có còn yêu nhau nữa không? Liệu họ có còn nhớ về giây phút này không? Bởi khung cảnh lúc đó quá lãng mạn, quá đẹp… Chỉ vậy thôi mà Tình khúc dưới mưa được ra đời.
Mỗi bài hát mới ra đời, bạn bè chọc ghẹo ông thất tình, lại bị cô nào “đá” nữa hay sao sáng tác vậy… bạn bèo ghẹo nhau vậy cho vui thôi chứ ai cũng biết làm gì có chuyện đó.
Lấy vợ khi 25 tuổi, ông là người nổi tiếng nghiêm túc và chung thủy trong chuyện tình cảm.
Tôi có hỏi ông vì sao là một người nổi tiếng, được nhiều phụ nữ mến mộ, trong môi trường hoạt động nghệ thuật dễ sa ngã mà ông có thể giữ mình tránh được điều tiếng như vậy, ông cho biết có 3 lý do.
Thứ nhất, ông đã trải qua cảm giác thất tình với mối tình đầu, yêu nhau mà rồi không đến được với nhau đã đau khổ lắm rồi, huống chi yêu nhau, cưới nhau mà lại phụ bạc nhau, lừa dối nhau, còn đau khổ hơn biết bao lần.
Thứ hai, ngày xưa cha không cho ông đi theo con đường nghệ thuật vì cha ông nói “xướng ca vô loài”, ông đã vì tình yêu nghệ thuật phải bỏ nhà ra đi, sau này được cha tha thứ, ông không muốn làm cha phiền lòng, và cũng để chứng minh rằng người nghệ sĩ tình cảm lãng mạn nhưng không đồng nghĩa với sự phóng túng, đa tình như thiên hạ hay nghĩ về giới nghệ sĩ.
Cuối cùng, vì tình yêu với bạn đời của mình. Khi quen nhau - Ngọc Hân lúc đó là nghệ sĩ nhảy thiết hài đình đám trên sân khấu Sài Gòn, vì tình yêu với chồng, sau hôn nhân bà quyết định giã từ ánh đèn sân khấu, chấp nhận lui về làm nội tướng chăm sóc gia đình để ông được tự do bay nhảy. Bà không bao giờ theo ông đến bất kỳ buổi biểu diễn nào vì sợ thấy ánh đèn sân khấu lại nhớ, bà không bao giờ nghi ngờ ghen tuông hay cằn nhằn chồng. Cái ơn, cái nghĩa lớn như vậy ông mang theo cả cuộc đời.
Năm ngoái, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm đêm ca nhạc cuối cùng để chính thức giã từ ánh đèn sân khấu ở tuổi 75, thực ra ông định “rửa tay gác kiếm” năm 70 tuổi nhưng các buổi biểu diễn của ông khán giả vẫn vỗ tay nồng nhiệt, nên ông đành “nán lại” thêm 5 năm nữa.
Ông luôn hài lòng về cuộc đời của mình, tiền bạc không nhiều nhưng cũng không túng thiếu, vợ con gia đình êm ấm, bản thân không bao giờ bị sức ép công việc, thích đàn, thích sáng tác lúc nào cũng được, có nhiều bạn bè quý mến, yêu thương… Với Nguyễn Ánh 9 đấy là những thứ mà ông luôn cảm ơn cuộc đời đã ban tặng ông, từ lúc sinh ra cho đến hôm nay, khi nhắm mắt xuôi tay từ giã tất cả.
TRƯỜNG GIANG