Nhạc sĩ Trương Quang Lục: Đặt dấu chân mình lên dấu chân xưa

Đi đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TPHCM) rẽ vào một con hẻm, qua một công viên nhỏ, đến một căn nhà có chùm bông giấy đong đưa trước cổng, thỉnh thoảng có tiếng đàn dương cầm thánh thót vang lên từ một căn hộ trên lầu. Đó là ngôi nhà thân yêu của nhạc sĩ Trương Quang Lục.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục (hàng sau, thứ hai từ trái qua)cùng một số đồng nghiệp Báo SGGP
Nhạc sĩ Trương Quang Lục (hàng sau, thứ hai từ trái qua)cùng một số đồng nghiệp Báo SGGP

1. Nhạc sĩ Trương Quang Lục sinh ngày 25-2-1933 ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm nay ông vừa tròn 90 tuổi. Một tuổi xưa nay hiếm và càng hiếm hơn khi ông vẫn minh mẫn, sức khỏe tốt, sáng tác nhạc đều đều…

Ông bảo, vài năm gần đây, các con đã cấm ông đi xe gắn máy và bán luôn chiếc xe gắn máy Cub 84 màu đồng đã theo ông suốt nhiều năm dài rong ruổi trên đường phố Sài Gòn.

Cách nay nhiều năm, tôi đã đến nhà thăm ông, nay quay lại căn nhà vẫn xưa cũ, vẫn đậm màu rêu phong. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm này là của mẹ ông để lại. Sau năm 1975, ông từ Bắc vào thì mẹ ông đã mất từ năm 1974. Căn nhà khá rộng được giao lại cho 4 anh em ông cùng ở. Riêng ông thừa hưởng căn hộ trên lầu cho đến nay.

Năm nhạc sĩ Trương Quang Lục vào Nam làm Giám đốc Nhà máy hóa chất Thủ Đức và sau đó chuyển về Báo Sài Gòn Giải Phóng làm Trưởng ban Khoa giáo, được nhà máy, cơ quan gợi ý cấp nhà riêng, nhưng ông đều từ chối với lý do đã có nhà riêng. Từ đó đến nay đã gần 50 năm, ông vẫn ở căn nhà nhỏ, cũ kỹ, đầy tình cảm của mẹ hiền để lại.

Ông vui tính, có cuộc sống thanh bạch, không vướng bận quyền thế hay tiền bạc. Chỉ có một tình yêu lớn nhất là âm nhạc! Có lẽ vì tình yêu ấy và lối sống thanh bạch, nên ông đã có một hạnh phúc gia đình viên mãn: một người bạn đời từ thời cùng học đại học, sắt son cùng ông mấy chục năm qua và 3 người con đều ngoan ngoãn, hiếu thuận, thành đạt.

Ông yêu âm nhạc từ hồi trẻ, từ khi là học sinh cấp 2 đã có sáng tác, lên cấp 3 những bài hát của ông đã được bạn bè trong trường, địa phương trình diễn ở các hội thi. Vào lực lượng Thanh niên xung phong những năm chống Pháp, rồi vào ngành đường sắt ở Liên khu 5, ông luôn được cơ quan ưu ái giao nhiệm vụ cán bộ chuyên về phong trào, nhờ có tình yêu âm nhạc và đã có tác phẩm âm nhạc cho riêng mình. Thời gian làm công việc chuyên môn của một kỹ sư hóa chất, lúc rảnh rỗi ông vẫn sáng tác nhạc đều đặn. Bài hát Vàm Cỏ Đông nổi tiếng, phổ thơ Hoài Vũ, được ông viết từ năm 1966 khi ông làm việc tại Nhà máy Lâm Thao.

Bài hát này đã đi vào năm tháng với giai điệu thì thầm của dòng sông Vàm Cỏ xanh biếc, với khí thế hào hùng của một thời giữ nước của cả dân tộc:

Vàm Cỏ Đông đây ta quyết giữ

Từng mái nhà nép dưới rặng dừa

Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ

Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…

2. Sau này, về Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo, công việc nhà báo có vẻ hơi trái với yêu thích và sở trường âm nhạc của ông, nhưng ông vẫn “tay viết báo, tay soạn nhạc” đều đều.

Bài hát Trái đất này là của chúng mình là một sáng tác của ông, phổ thơ Định Hải, ra đời năm 1979 hưởng ứng cuộc thi sáng tác các bài hát mới cho trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động.

Bài hát không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn lan tỏa trên sóng phát thanh, truyền hình, sân khấu nhiều nơi trên thế giới, như tại Liên hoan Hợp xướng quốc tế tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2002 hay Lễ hội Whitehorse Heritage - một lễ hội hàng năm của các cộng đồng 31 dân tộc định cư tại Yukon, Canada vào năm 2009. Vị đại diện của chương trình lễ hội là Việt kiều Canada sang Việt Nam xin phép nhạc sĩ cho sử dụng bài Trái đất này là của chúng mình làm bài hát chủ đề của liên hoan. Ông hỏi: “Thế giới có nhiều bài dạng này, sao lại sử dụng bài này?”. Vị đại diện cho biết, chọn bài hát này vì hay, yêu chuộng hòa bình và có thêm chi tiết không phân biệt chủng tộc. Đó là một kỷ niệm vui, khi đứa con tinh thần của ông vượt qua khỏi biên giới, vang vọng tiếng hát đoàn kết, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam đến bè bạn thế giới.

3. Năm 2022, ở tuổi 89, nhạc sĩ Trương Quang Lục nhận giải A âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021 và giải xuất sắc của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021, với ca khúc Đẹp nhất bông sen. Tài năng của ông thì ai cũng biết nhưng ở tuổi 89 như ông mà vẫn có tác phẩm dự thi, đoạt giải cao nhất quả là trường hợp hiếm có.

Chia tay ông sau một buổi trò chuyện khá lâu, ra về tôi vẫn nghe âm vang của nhịp điệu Vàm Cỏ Đông hào hùng, nhịp điệu tươi vui của Trái đất này là của chúng mình, nhịp điệu trữ tình của Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen:

Anh nói anh yêu em trong sáng mai này

Trên đảo hoang đất phèn chua lắm gai

Ta đã quen nhau trong nắng sớm mưa chiều…

… Khi anh yêu em, trăng cứ rằm hạnh phúc

Tiếng chim lạ trên bãi gọi thôi thúc

Đặt dấu chân mình lên dấu chân xưa

Để mai đây xanh mượt bóng dừa

Bài hát này ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nam Thiên (Ông Văn Chiến) lúc ấy đang công tác tại Nông trường Đỗ Hòa (huyện Duyên Hải, nay là huyện Cần Giờ, TPHCM). Đây là lời tâm tình của đôi nam nữ Thanh niên xung phong ở nông trường nhưng cứ nghe như nhạc sĩ Trương Quang Lục nói với tình yêu hơn 70 năm là âm nhạc, từ thời trai trẻ tóc còn xanh đến nay đã phơ phơ đầu bạc, như “tiếng chim lạ trên bãi gọi thôi thúc. Đặt dấu chân mình lên dấu chân xưa”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục có hơn 300 bài hát thiếu nhi và được xem là một trong những nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi thành công, hiếm có trong nhiều năm qua.

Người nhạc sĩ quê hương Quảng Ngãi còn có nhiều ca khúc để đời, như Cô gái Lâm Thao, Tiếng hát bên rừng, Hoa sen Tháp Mười, Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường, Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen...

Tin cùng chuyên mục