Lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo phường, xã

Nhân dân làm chủ ngay từ cơ sở

Nhân dân làm chủ ngay từ cơ sở

Ngày 2-10, gần 1.000 cán bộ mặt trận và chính quyền các cấp trên địa bàn TPHCM đã tham gia tập huấn về việc “lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn” (diễn ra vào tháng 12-2008). Xung quanh vấn đề người dân đang quan tâm này, PV Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Trần Thành Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM.

* Phóng viên:
Thưa đồng chí, ngoài chuyện “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, đồng chí nghĩ sao về chuyện dân bỏ phiếu tín nhiệm?

* Đồng chí TRẦN THÀNH LONG: Theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Chương IV, Điều 26 quy định rõ: 2 năm một lần, phải tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên cơ sở có điều kiện đánh giá năng lực, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Bên cạnh đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ gần dân hơn, lắng nghe ý kiến của dân về ưu-khuyết điểm của bản thân, qua đó sẽ tự khắc phục và trưởng thành.

Nhân dân làm chủ ngay từ cơ sở ảnh 1

Đồng chí Trần Thành Long (trái) trả lời báo chí sáng 2-10. Ảnh: MINH ANH

* Nếu như sau khi lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ chủ chốt chỉ “tự khắc phục và trưởng thành” thì e rằng chưa đủ?

* Trong các lần lấy phiếu tín nhiệm trước, đã có cán bộ chính quyền bị HĐND cùng cấp miễn nhiệm vì số phiếu tín nhiệm dưới 50%. Lần này, nếu người có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét và có ý kiến. Bên cạnh đó chúng tôi cũng kiến nghị cấp ủy Đảng có thẩm quyền xử lý những trường hợp này với sự giám sát của mặt trận. Cần công khai thì chúng ta sẽ công khai trên báo chí!

* Trước đây, việc thành phần tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chỉ gói gọn trong hệ thống mặt trận, mà cán bộ mặt trận lại hưởng lương ngân sách, điều này có thể dẫn đến kết quả bỏ phiếu chưa thực chất?

* Ngoài thành viên Ủy ban MTTQ như trước đây, lần này thành phần bỏ phiếu còn có ban thường vụ công đoàn, đoàn TNCS, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân (nếu có), ban thanh tra nhân dân… cùng cấp và cả bí thư chi bộ khu phố (ấp), trưởng khu phố (ấp), tổ trưởng tổ dân phố, các trưởng ban công tác mặt trận ở khu phố (ấp)…

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải có bản kiểm điểm công việc 2 năm vừa qua một cách trung thực. Bản kiểm điểm này sẽ gửi cho người bỏ phiếu tín nhiệm trước 10 ngày để họ nghiên cứu xem “anh” có trung thực không, có vấn đề gì không.

* Thưa đồng chí, nhiều người vẫn băn khoăn là việc này sẽ làm cho có, nặng hình thức. Và đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cũng e dè rằng họ làm thì tốt, nhưng không nói ra nên không ai biết…?

* Ngoài thành phần bỏ phiếu còn có quy định thành phần khách mời (để giám sát). Hội nghị chỉ tổ chức khi có trên 2/3 người bỏ phiếu có mặt. Biên bản hội nghị lấy phiếu tín nhiệm còn phải có ý kiến của người dân (ghi theo phát biểu công khai tại hội nghị) nên chắc chắn sẽ minh bạch. Cái gì tốt sẽ có nhiều người biết, cái gì chưa tốt cũng sẽ xuất hiện sau đợt này.

Các vị chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cũng không nên ngại bởi quy định chỉ có người nào giữ chức vụ đủ hai năm thì mới đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Hai năm là thời gian đủ cho nhân dân nhận xét rồi! Cán bộ mới, cán bộ trẻ vừa được bầu, cán bộ vừa luân chuyển… chưa đủ 2 năm thì không lấy phiếu tín nhiệm trong đợt này. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải xong tại 322 xã, phường, thị trấn (thuộc 24 quận huyện) hạn chót là cuối năm 2008.

* Một vấn đề khác là Đề án “Thí điểm chính quyền đô thị” trong đó TPHCM sẽ không tổ chức HĐND cấp quận-huyện và phường cũng đang được dư luận rất quan tâm, đồng chí nghĩ sao?

* Đề án chỉ mới xin ý kiến Thường trực Thành ủy TPHCM thí điểm không tổ chức HĐND tại 24 quận-huyện và 259 phường nên chưa thể nói gì nhiều. Tuy nhiên lâu nay nói HĐND quận-huyện quyết định ngân sách địa phương nhưng thực chất là do cấp tỉnh, thành phố làm. Vấn đề giám sát cũng vậy, cấp quận-huyện cũng chỉ tiếp dân, nghe và tổng hợp ý kiến rồi chuyển chính quyền (những người bị giám sát) giải quyết. Như thế là chưa thực chất. Bỏ HĐND cấp quận-huyện và phường, vai trò của mặt trận càng phải nâng cao hơn nữa, đi sâu sát hơn nữa mà không dàn trải. Mặt trận sẽ cùng các đoàn thể giám sát từng sự vụ cụ thể, kiến nghị chính quyền cùng cấp giải quyết và báo cáo mặt trận cấp trên. Uy tín của mặt trận ngày càng nâng cao, càng được người dân tin tưởng thì trách nhiệm của cán bộ mặt trận cũng phải nâng theo tầm cao mới. 

MINH ANH (thực hiện) 

Thí điểm người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND tại 5 xã

(SGGP).- Ngày 2-10, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết UBND TP đã xin ý kiến Thường trực Thành ủy về việc chọn các địa phương không tổ chức HĐND quận huyện, phường và thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Theo đó, TP dự kiến thí điểm không tổ chức HĐND tại 19 quận, 5 huyện và 259 phường. Ngoài ra, UBND TP còn kiến nghị thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã tại 5 xã: Bình Lợi - huyện Bình Chánh, Tam Thôn Hiệp - huyện Cần Giờ, Thái Mỹ - huyện Củ Chi, Nhị Bình - huyện Hóc Môn và Phước Kiểng - huyện Nhà Bè.

TPHCM là 1 trong 4 TP trực thuộc trung ương và 6 tỉnh trong cả nước được chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.

H.HIỆP

Tin cùng chuyên mục