Để chuẩn bị bổ nhiệm mới Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (do hiệu trưởng đương chức chuẩn bị về hưu), UBND quận Tân Bình, TPHCM vừa có kế hoạch tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng cho ngôi trường được coi là trường điểm của quận.
Đối tượng dự tuyển là hiệu trưởng, hiệu phó các trường THCS thuộc quận. Theo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, thông qua việc thi tuyển công khai, minh bạch này sẽ tuyển chọn được người quản lý giỏi chuyên môn, đủ tầm lèo lái “con thuyền” Nguyễn Gia Thiều phát triển bền vững hơn. Đây cũng là cơ hội dành cho những người có năng lực, giàu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thử sức, trong đó có cán bộ quản lý trẻ tuổi.
Có thể nói, sự thay đổi tư duy trong tuyển chọn bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục của quận Tân Bình là một tín hiệu mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - bắt đầu từ đổi mới công tác quản lý giáo dục. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường lẫn dư luận xã hội. Hơn nữa, việc chọn lựa và bổ nhiệm công khai hiệu trưởng mới theo tinh thần công khai, minh bạch sẽ xóa tan những nghi ngờ về tình trạng “chạy chức, chạy quyền” như đang diễn ra ở ngành này, ngành nọ hoặc trường này, trường kia ở TPHCM.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT TPHCM trong những năm qua. Tuy nhiên, đã đến lúc TPHCM, các quận, huyện cần thay đổi tư duy về tuyển dụng nhân sự, cán bộ quản lý cho ngành GD-ĐT. Theo đó, cần mạnh dạn tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý cấp sở, hiệu trưởng, hiệu phó ở các cấp học, bậc học. Riêng đối với những trường có thương hiệu, chất lượng cao hay còn gọi là trường “hot” thì việc tổ chức tuyển chọn càng thể hiện tính minh bạch, rõ ràng và theo tiêu chí đúng người, đúng việc. Có như thế, các trường mới tuyển dụng được những vị thuyền trưởng giỏi quản lý lẫn chuyên môn, đủ tâm và tầm dẫn dắt con tàu giáo dục đi đúng hướng, đổi mới thật sự.
Nhìn lại thực tế cho thấy đã có không ít câu chuyện bổ nhiệm hiệu trưởng mới ở trường này, trường nọ trên địa bàn TPHCM chưa thật sự nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ giáo viên lẫn học sinh. Thậm chí, ở một số trường, việc thay mới cán bộ quản lý còn gây ra sự lộn xộn, nội bộ mất đoàn kết, giáo viên mất lửa làm việc… Thế nhưng, do việc đã rồi - cử trước mà không khảo sát lấy ý kiến đánh giá của những người liên quan đã khiến con tàu giáo dục chao đảo - “trên bảo dưới không nghe” vì không tâm phục khẩu phục vị “thuyền trưởng” mới.
Chính vì thế, đổi mới khâu bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các cấp học là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới công tác quản lý giáo dục, tạo sức bật nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo chuẩn tiên tiến hiện đại. Trong khi TPHCM mới bắt đầu phát tín hiệu thi tuyển hiệu trưởng ở một quận thì ở nhiều tỉnh, TP khác đã áp dụng chính sách tuyển dụng minh bạch từ nhiều năm qua. Thay vì thực hiện quy trình cũ là dựa vào quy hoạch và các tiêu chí bổ nhiệm cán bộ quản lý, nhiều địa phương như TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh và mới đây là Bạc Liêu… đã đổi mới tư duy, công khai tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó, kể cả các chức danh cán bộ quản lý cấp sở GD-ĐT. Nhờ bước đột phá mang tính dân chủ này, nhiều cán bộ giáo dục có năng lực, trình độ lẫn kinh nghiệm quản lý có cơ hội ứng cử vào các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó.
“Đoàn tàu” giáo dục Việt Nam đang đứng trước yêu cầu tăng tốc đổi mới, lột xác thật sự để tiếp cận chuẩn giáo dục tiên tiến hiện đại của thế giới nên rất cần những vị thuyền trưởng giỏi, năng động, dám nghĩ dám làm, đủ tầm để dẫn dắt từng con tàu vượt qua thử thách, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì thế, từ câu chuyện thi tuyển hiệu trưởng của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TPHCM và nhiều trường học khác trong cả nước, hy vọng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT sẽ đi theo quỹ đạo chung - chuyển động theo hướng công khai, minh bạch.
KHÁNH BÌNH