Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã kết thúc, nhưng nhiều người vẫn chưa thể trở lại để bắt đầu công việc thường ngày vì phải nhập viện điều trị những căn bệnh do... ăn nhậu quá đà. Cùng với đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cũng khiến nhiều bệnh tật gia tăng người mắc.
Gia tăng bệnh nhân
Khu khám Bệnh viện Nội tiết Trung ương ngay từ sáng sớm ngày đầu tuần đã đông nghịt bệnh nhân xếp hàng ngồi chờ khám bệnh. Mệt mỏi ngồi chờ lấy sổ khám bệnh, ông N.M.Tuấn (67 tuổi, ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) chia sẻ: Ngày tết con cháu về nhà đông vui quá nên ăn uống hơi nhiều, lại không kiêng cữ nên mấy hôm nay chân tay sưng tấy do bệnh gút của tôi tái phát.
Trong khi đó, nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu, bác L.T.Trung (58 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) không ngớt lời than vãn với mấy bệnh nhân nằm cùng phòng, đúng là sướng cái miệng, khổ cái thân.
Theo các bác sĩ điều trị ở khoa Cấp cứu cho biết, bác L.T.Trung bị bệnh tiểu đường tuýp 2 đã gần 1 năm qua, nên phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, tập luyện và tiêm thuốc do bác sĩ hướng dẫn. Tuy nhiên, do những ngày tết vừa qua, không chỉ được nghỉ dài ngày mà bạn bè tới chơi cũng đông vui hơn nên bác L.T.Trung đã vui miệng ăn những món ăn cấm kỵ với người bị tiểu đường và uống khá nhiều bia rượu.
Vì vậy từ ngày mùng 5 Tết, bác L.T.Trung đã phải nhập viện cấp cứu vì đường huyết tăng quá cao, chóng mặt và đau đầu.
Theo Th.S Phạm Thúy Hường, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm nay do dịp nghỉ tết dài nên số người bị các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là tiểu đường và gút tăng mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do sinh hoạt của người bệnh bị đảo lộn, không giữ được chế độ ăn và tập luyện đều đặn, trong khi đó, cơ thể lại được “bổ sung” toàn chất cấm kỵ với bệnh nhân tiểu đường và gút nên đã khiến nhiều người phải nhập viện điều trị dài ngày.
TS Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, trong điều trị đái tháo đường và gút, chế độ ăn giữ một vai trò rất quan trọng. Thực tế, nhiều bệnh nhân tiểu đường đã kiểm soát rất tốt chế độ ăn trong cả năm, nhưng vào dịp lễ tết, nhiều người lại không tuân thủ việc ăn uống theo chế độ kiêng khem dẫn đến đường huyết tăng vọt, nguy hiểm tới tính mạng.
Do đó, với những người bệnh bị tiểu đường, hay gút dù có vui đến mấy cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về chế độ ăn uống và luyện tập của bác sĩ.
Bệnh viện quá tải
Trong những ngày nghỉ kéo dài vừa qua, ăn nhậu quá đà không chỉ khiến gia tăng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh không lây nhiễm, mạn tính mà bệnh ngộ độc cấp cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Nằm bê bết tại khu điều trị của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn X.L. (38 tuổi) là một doanh nhân chia sẻ, chỉ vì những cuộc nhậu triền miên từ tất niên cho những ngày đầu xuân với bạn bè và anh em trong cơ quan, mà đến ngày mùng 3 Tết, anh đã phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc rượu và suy gan cấp.
Theo nhiều bác sĩ ở đây cho biết, phần lớn bệnh nhân nhập viện trong vòng 1 tuần qua là bị ngộ độc rượu và ngộ độc thực phẩm do ăn uống thiếu kiểm soát. Trong đó có không ít trường hợp nguy kịch tới tính mạng do bị ngộ độc rượu cấp, nhiễm độc vào gan và thận khiến việc điều trị kéo dài và rất khó khăn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Việt Đức là cơ sở ngoại khoa tuyến cuối, TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện, cho biết, dịp nghỉ tết năm nay, số bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt chỉ vào khoảng 200 ca/ngày, nhưng đáng lo là có nhiều ca tai nạn giao thông và cả tai nạn sinh hoạt như đánh nhau được người thân đưa vào cấp cứu vẫn còn nồng nặc… mùi rượu bia.
Ngoài ra không ít bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện rất nặng, đa chấn thương do uống nhiều rượu, không làm chủ được tốc độ phóng nhanh, vượt ẩu.
Trong những ngày nghỉ tết kéo dài vừa qua do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều bệnh viện ở phía Bắc như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Lão Khoa... đã phải tiếp nhập khám, cấp cứu, điều trị một lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và viêm đường hô hấp. |
NGUYỄN QUỐC