Nhặt sạn văn nghệ

Cảnh phim khó chấp nhận

Cảnh phim khó chấp nhận

VCTV2 vừa phát lại bộ phim Trường Sơn ngày ấy của Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM do Nguyễn Bá Lân đạo diễn. Bộ phim phản ánh khá chân thực những tháng ngày gian khổ nhưng đầy hào hùng của quân và dân Trường Sơn trong những ngày đánh Mỹ.

Tuy vậy ngay đầu phim có cảnh khiến người xem khó chấp nhận. Đó là cảnh Cường (Chi Bảo đóng) phát hiện kẻ thù đã sát hại bạn, chết nằm phơi mình trên tảng đá, mắt còn mở trừng trừng. Sau khi nhặt lá thư dang dở của bạn lên coi, Cường khoác súng bỏ đi tìm kẻ thù mà không hề có một động tác nào để bảo toàn thi thể bạn (?!).

Chi tiết đó phản ánh không đúng tình đồng đội của anh bộ đội Cụ Hồ, và trên mức độ nào đó còn vi phạm kỷ luật chiến trường đối với thương binh, liệt sĩ!
TÂN PHONG (Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận)

Không cần thiết khen thí sinh: Em đẹp lắm!

Trong các chương trình Sao Mai-Điểm hẹn truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 mỗi tối thứ bảy, từng ca sĩ lần lượt trình bày hai bài hát tự chọn. Sau đó, 3 vị trong Hội đồng nghệ thuật lần lượt nêu ý kiến của mình đối với cách thể hiện các bài hát của ca sĩ. Tất nhiên 3 vị nêu những nhận xét rất chính xác, tinh tế và bao giờ cũng khuyến khích ca sĩ phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu kém để vòng sau biểu diễn tốt hơn.

Riêng lời khen trong một vài trường hợp có vị phát biểu hơi xa đề. Chẳng hạn đêm 5-8-2006, ca sĩ Phương Linh đã nhận được lời khen của nhạc sĩ H.T. trong Hội đồng nghệ thuật: “Em đẹp lắm! Anh thấy hôm nay em đẹp lắm!”. Và những lời khen tương tự thường được lặp lại một số lần. Có lẽ không cần thiết khen thí sinh như vậy.
T.N.T.

Xưng hô không chuẩn

Trong giao tiếp hàng ngày, từ “mình” (ngôi thứ nhất, số ít) là tiếng tự xưng thân mật dành cho những bạn bè đồng trang lứa (đối tượng là học sinh hay dùng). Rất tiếc, không ít thanh niên khi phát biểu trước công chúng (trong đó có nhiều người đáng tuổi cha mẹ, cô chú, anh chị...) vẫn rất hồn nhiên tự xưng là “mình”, gọi chung cử tọa là “các bạn”! Đó là cách xưng hô không chuẩn, nếu không muốn nói là bất lịch sự. Các “nhà đài” nên có sự nhắc nhở trước khi thu hình.

Hiện nay, một số M.C (người dẫn chương trình truyền hình) trẻ cũng mắc phải cái “tật” xưng “mình” khi nói năng. Trong cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình năm 2006” phát sóng gần đây trên HTV, có người lọt vào tới vòng bán kết cũng lại xưng “mình” trước khán giả và ban giám khảo. Nói năng thiếu chuẩn mực, làm sao có thể dẫn chương trình giỏi được?
BIÊN HÀ (Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục