Nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng

Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị 01 về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Nghị quyết Đại hội lần thứ X là sản phẩm kết tinh trí tuệ, là ý chí, nguyện vọng và điểm hội tụ truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân TPHCM trên cơ sở tổng kết những bài học, kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua và những vấn đề lý luận gắn với thực tiễn sau gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Đánh giá những tồn tại, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân “chủ yếu là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn những mặt hạn chế”. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót này, nhằm đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhiệm vụ trước tiên ngay sau đại hội là phải triển khai thật tốt công tác tư tưởng chính trị, mà trước hết cần phổ biến, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội. Việc làm này không chỉ tạo sự thống nhất cao, nhận thức đúng trong mỗi cán bộ, đảng viên mà quan trọng hơn là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi và huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân. Chỉ có lòng tin mới có tự giác và khi có tự giác, mọi người mới hăng hái, quyết tâm thực hiện nghị quyết.

Việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM chính là cầu nối giữa quan điểm, chủ trương, đường lối mà Đại hội Đảng bộ TPHCM đã đề ra với nhận thức, lý tưởng, niềm tin và hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, đợt sinh hoạt chính trị này còn có nhiệm vụ là tích cực tham gia vào việc tổ chức, tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua, động viên các ngành, các cấp và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong 5 năm tới, làm tiền đề cho những năm tiếp theo; trước mắt từ nay đến cuối năm, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2015. Đợt sinh hoạt chính trị lần này còn là tác nhân quan trọng định hướng, chỉ đạo, rút kinh nghiệm, thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng cần rút kinh nghiệm từ nhiều lần trước là công tác tư tưởng không nên chỉ hô hào chung chung, mà phải “xắn tay” vào việc, đề xuất được những giải pháp thực tế, hữu ích nhằm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của địa phương, cơ sở. Việc quán triệt, học tập nghị quyết đại hội cần triển khai tới mọi đối tượng, nhất là số cán bộ đang nắm giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền, kể cả những người có quá trình cống hiến, am hiểu tình hình đất nước, từng giữ nhiều vị trí quan trọng mà nay đã nghỉ hưu ở TPHCM. Nhiệm vụ này cũng nhằm đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra là “tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng; thực hiện hiệu quả “phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ”.

Việc bố trí người, phân công rõ trách nhiệm và tổ chức phối hợp giữa cán bộ và các đơn vị trong thực hiện chương trình hành động phải theo phương châm “tư duy đột phá, chính sách đột phá và chỉ đạo tổ chức, thực hiện đột phá”. Khi cấp ủy, chính quyền chọn đúng người, giao đúng việc thì cần tạo điều kiện, tôn trọng quyền hạn và khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của cán bộ và đơn vị. Đối với người dân ở cơ sở, việc hiểu nghị quyết và thực hiện nghị quyết không phải là nghe những mỹ từ hay làm theo những câu hô hào chung chung. Trong quá trình tìm hiểu nghị quyết đại hội Đảng, nhiều ý kiến đảng viên ở cơ sở cho rằng, khi xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết cần phải giao công việc cụ thể, đồng thời cũng phải giao trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức và cá nhân phụ trách. Nhiều đồng chí nêu ví dụ, quận thực hiện một dự án mở rộng hẻm thì người dân ở cơ sở lại hiểu rất đơn giản và muốn biết cụ thể: ai làm, ai được cấp ủy, chính quyền phân công theo dõi, kiểm tra, dự án đã đưa ra dân lấy ý kiến chưa, kinh phí thế nào, trong đó nhà nước bao nhiêu, dân đóng góp bao nhiêu, theo tỷ lệ nào, bao giờ hoàn thành, nếu không hoàn thành hay công trình bị thất thoát thì ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm của bí thư cấp ủy và người đứng đầu đến đâu, chế tài ra sao?…

Việc phân công rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm sẽ là điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và cấp ủy nâng cao trình độ mọi mặt, năng lực lãnh đạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức và hoạt động thực tiễn, gương mẫu, tích cực vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội. Đây cũng là cơ sở để cuối nhiệm kỳ, nhân dân đánh giá chính xác năng lực, trình độ, phẩm chất và mức độ tín nhiệm của từng cán bộ, đơn vị được giao nhiệm vụ. Quan trọng hơn, việc làm này góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên cơ sở mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, ngăn chặn suy thoái đạo đức, tư tưởng để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục