Nhiều điểm thiếu tính pháp lý trong Thông tư 01/2016 của Bộ VH-TT-DL

Trước những ý kiến trái chiều về nhiều nội dung trong Thông tư số 01/2016 của Bộ VH-TT-DL (gọi tắt là Thông tư 01), Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) của Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL chỉ ra nhiều điểm thiếu tính pháp lý của thông tư này và đề nghị Bộ VH-TT-DL tự kiểm tra, xử lý những nội dung không phù hợp để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất và thông báo kết quả xử lý cho Cục KTVBQPPL.
Nhiều điểm thiếu tính pháp lý trong Thông tư 01/2016 của Bộ VH-TT-DL

(SGGP).- Trước những ý kiến trái chiều về nhiều nội dung trong Thông tư số 01/2016 của Bộ VH-TT-DL (gọi tắt là Thông tư 01), Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) của Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL chỉ ra nhiều điểm thiếu tính pháp lý của thông tư này và đề nghị Bộ VH-TT-DL tự kiểm tra, xử lý những nội dung không phù hợp để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất và thông báo kết quả xử lý cho Cục KTVBQPPL.

Một trong các quy định gây tranh cãi nhất trong Thông tư 01 là các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện.

Theo Cục KTVBQPPL, đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy, các hành vi không được thực hiện (bị cấm) quy định tại các Điểm a, c Khoản 1 Điều 3 Thông tư 01 không thuộc những hành vi bị cấm quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Mặt khác, các hành vi bị cấm liên quan đến đưa thông tin, hình ảnh cá nhân lên các phương tiện truyền thông và ra xã hội đã được quy định trong Luật Công nghệ thông tin (2006), Bộ luật Hình sự (1999)… Trong đó, việc xác định các hành vi bị cấm này đều gắn với xem xét mục đích và hậu quả của hành vi. Ngoài ra, theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, quy định các hành vi bị cấm tại Thông tư 01 là không phù hợp.

Một số quy định các hành vi bị cấm đối với người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... tại Thông tư 01 là không phù hợp (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Bên cạnh đó, tại Cục KTVBQPPL cũng chỉ ra nhiều điểm chưa phù hợp của văn bản này như: Về Mẫu số 14 liên quan tới quyền tác giả mà Bộ VH-TT-DL ban hành kèm theo Thông tư 01 để xin cấp Giấy phép biểu diễn có tiêu đề là “Đơn cam kết” với nội dung thể hiện việc tổ chức đề nghị cấp giấy phép cam kết “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn”, theo Cục KTVBQPPL, nội dung này không thể hiện là cam kết của tổ chức đề nghị cấp giấy phép với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có: “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Do đó, nội dung “Văn bản cam kết”, “Bản sao hợp đồng”, “Văn bản thỏa thuận” trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải được thể hiện là cam kết, hợp đồng, thỏa thuận giữa tổ chức đề nghị cấp giấy phép với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Vì vậy, quy định tại Mẫu số 14 nêu trên là không phù hợp, không thống nhất với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Ngoài ra, quy định tại Mẫu số 14 nêu trên cũng chưa phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009).

MAI AN

Tin cùng chuyên mục