Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, trong nhiều năm liên tục, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt trên 55,3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 44,6 tỷ USD và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt gần 10,7 tỷ USD.
Về quan hệ đầu tư, tính đến nay Mỹ xếp thứ 11 trên tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 932 dự án, tổng vốn đăng ký trên 9,1 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, General Electric, Microsoft, AIG, CocaCola, Chevron… đã có các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam và hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua.
Theo ông Ryan Hollowell, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, các cơ quan thương vụ của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác cho các DN Việt một cách nhanh nhất, hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, các DN xuất khẩu thường gặp khó khăn trong vấn đề nguồn vốn còn hạn chế, phía Mỹ có ngân hàng có thể có các giải pháp hỗ trợ, tài trợ vốn cho các DN. Thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư giữa hai nước, phía Mỹ cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam mở văn phòng, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa tại thị trường các bang tại Mỹ.
Ông Ryan Hollowell đề nghị, nhằm linh hoạt tận dụng các cơ hội trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Việt cần nâng cao khả năng cung ứng, sản xuất, chế biến thay vì nhập khẩu và gia công, đặc biệt là sử dụng công nghệ và nguồn nguyên liệu từ Mỹ và sau đó xuất khẩu trở lại là bước đi nhanh, nhưng chắc chắn và hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, tạo đầu ra và doanh thu cho cả hai nền kinh tế.