
Hôm qua (8-5) Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức Hội nghị thảo luận các dự án luật Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 9 và nghe phản ảnh của các sở ngành về những vấn đề cần điều chỉnh về mặt luật pháp. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP đã chủ trì Hội nghị.
Hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử?
Có nên tồn tại việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu nữa hay không. Đây là điều gây nhiều chú ý nhất tại buổi thảo luận Dự án Luật cư trú. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thẳng thắn: sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi! Đại biểu Nguyễn Thế Hiệp, đặt câu hỏi: Tại sao các nước họ không có sổ hộ khẩu vẫn quản lý được dân cư rất chặt chẽ? Rồi ông tự trả lời: đó là vì họ quản lý theo thuế, tức anh làm việc ở đâu đều phải khai báo thuế, điều đó cũng có nghĩa là thanh toán qua ngân hàng là phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh không đồng ý bỏ hộ khẩu. Ông khẳng định là phải giữ, bởi theo ông, chính sách nhất quán của Nhà nước vẫn quản lý theo địa giới hành chính và nếu bỏ hộ khẩu thì căn cứ vào đâu để … phát thẻ cử tri mỗi khi bầu cử. “Cái sai lầm lớn nhất là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp áp đặt cho hộ khẩu quá nhiều chức năng như xin việc làm, đồng hồ điện, nước, học hành … chứ bản thân nó không có tội!” – ông Minh bức xúc.
ĐB Nguyễn Đình Lộc tiếp tục lên tiếng: Hiện nay có đến 400 loại việc liên quan đến hộ khẩu, vậy mà dự thảo luật chỉ đề cập nhiều đến việc bảo đảm quản lý cư trú, còn tự do cư trú lại không thấy nói. ĐB Nguyễn Đức Chính chen vào: Đọc kỹ dự thảo luật này vẫn mang nặng tính xin – cho, chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, tôi rất “dị ứng”. Vậy nội dung luật có “chệch hướng” không? – ông Lộc băn khoăn.
Giữa hai luồng ý kiến khác nhau, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết đề nghị: Cái đích đến của chúng ta là phải tự do cư trú, bỏ hộ khẩu là phương án được nhiều người ủng hộ, nhưng chúng ta không được thoát ly ra khỏi thực tế tình hình đất nước. Theo ông, các đại biểu cần tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm quản lý dân cư ở các nước phát triển để có cơ sở vững chắc hơn cho những lần thảo luận tiếp theo.
Công chứng tư, BHYT tư: Tại sao không?
“Xã hội hóa hoạt động công chứng, cần phải cân nhắc” – ĐB Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp nói. Lý do, theo ông, hành vi công chứng vừa phục vụ cho dân vừa phục vụ cho quản lý nhà nước, thế nên nếu xã hội hóa thì phục vụ nhà nước rất khó. Hơn nữa khi phòng công chứng tư giải thể thì những tài sản mà họ công chứng trước đó sẽ tính như thế nào.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết cắt ngang: Toàn thành phố này mà chỉ có 6 điểm công chứng, người dân đi khổ lắm, phải xã hội hóa thôi! Chúng ta phải luôn luôn có một tư tưởng là nên làm mọi việc để dân bớt khổ. Muốn vậy Nhà nước phải dần dần giảm việc quản lý đi, lời giải của bài toán này là xã hội hóa. Nhiều đại biểu cho rằng, ở các nước tuy là phòng công chứng tư nhân, nhưng không phải họ “muốn làm sao thì làm” mà do Nhà nước bổ nhiệm đào tạo. Tức họ quan niệm đây là việc của Nhà nước nhưng để thuận lợi hơn cho dân thì giao cho tư nhân làm. “Nếu còn e dè, thì nên làm thí điểm công chứng tư ở TPHCM trước để lấy thực tiễn”, ý kiến của ĐB Nguyễn Đình Lộc được nhiều người tán đồng.
Liên quan đến xã hội hóa, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương làm nhiều người ngạc nhiên khi đề nghị: cần nhanh chóng lập Bảo hiểm y tế (BHYT) tư nhân để chống thái độ độc quyền của BHYT nhà nước hiện nay. “Vì độc quyền nên BHYT hiện nay chỉ biết cầm tiền, còn mọi việc khoán trắng cho bệnh viện.
Trong khi đó, chính sách cốt lõi của BHYT là người chưa bệnh san sẻ khó khăn cho người đang bệnh.” – bà Dung bức xúc. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Xuân Cẩm tiếp lời bằng một kiến nghị mà theo ông đã nói từ lâu nhưng không ai nghe: Gấp rút bỏ danh mục thuốc BHYT, bỏ hết các qui định về giường bệnh, thầy thuốc riêng cho người sử dụng thẻ BHYT chữa bệnh. Chỉ khi nào bỏ được những thứ này thì mới nói được chữ “công bằng” trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Tình hình giao thông sẽ xấu hơn!
Đây là lời khẳng định của Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng khi báo cáo với Đoàn ĐBQH TP. Theo ông, tình hình giao thông thành phố ngày càng xấu hơn do phát triển đô thị tự phát. Ông Phượng cũng cho rằng: tốc độ phát triển hạ tầng giao thông rất chậm (các trục đường xuyên tâm, vành đai) mà nguyên nhân chính vì TP chưa đủ kinh phí, chưa có một cơ chế khuyến khích đầu tư xã hội hóa hợp lý. Đồng thời, trong tương lai, suất đầu tư cho một dự án ngày càng tăng cao do kinh phí đền bù giải tỏa lớn sẽ càng gây khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, ông Phượng đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ nghiên cứu và ban hành các qui chế riêng tạo thuận lợi cho các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… phát triển. Song song đó, cần ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng cơ sở như thủ tục, thuế, các hình thức đảm bảo vốn…
TRẦN TOÀN