Nhiều nơi thiếu giáo viên, có hiện tượng giáo viên nghỉ việc do lương thấp

Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện ngành giáo dục còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023.

Sáng 12-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Tại hội nghị, vấn đề thiếu giáo viên tiếp tục được nhiều địa phương “kêu”. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép các trường học đông học sinh được có 3 Hiệu phó. Đề nghị cho phép các trường được ký hợp đồng với nhân viên làm công tác chuyên môn. Kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, nghiên cứu cho phép Hà Nội nâng cao khối tầng xây dựng và xây dựng tầng hầm để bảo đảm diện tích sử dụng trường học, theo nguyên tắc bố trí giáo viên làm việc ở tầng cao, học sinh ở tầng thấp, bảo đảm an toàn.

Nhiều nơi thiếu giáo viên, có hiện tượng giáo viên nghỉ việc do lương thấp ảnh 1 Hội nghị ngành giáo dục trực tuyến ngày 12-8

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, hiện nay vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, dẫn tới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của TPHCM. Trong khi lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương cũng nêu về tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, mầm non trên địa bàn. Theo thống kê từ tháng 1 đến 4-2022, Bình Dương có 527 giáo viên mầm non, tiểu học nghỉ việc, nguyên nhân là lương thấp. Thiếu giáo viên là một trong trở ngại xây dựng trường chuẩn quốc gia của Bình Dương.

Nhiều nơi thiếu giáo viên, có hiện tượng giáo viên nghỉ việc do lương thấp ảnh 2 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn 

Bên cạnh đó, trường lớp ở Bình Dương vẫn thiếu trong khi số học sinh tăng, nhất là ở khu công nghiệp. Theo bà Hằng, với giáo dục mầm non, tỉnh ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi; tỉnh cũng tuyển 100% trẻ 6 tuổi cư trú trên địa bàn vào lớp 1. Nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Số giáo viên tỉnh Bình Dương vẫn thiếu là trên 3.000. Năm học này triển khai chương trình lớp 10 mới, nhưng hiện nay vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn tự chọn như công nghệ, tin học, mỹ thuật, ngành giáo dục cần quan tâm. Tỉnh vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức, song song đó ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên chuyên môn để không thiếu giáo viên. 

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị, ở những khu vực có đông khu công nghiệp, sĩ số lớp đông, do đó cần có chính sách đặc thù để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện Bình Dương đang vướng chỗ này.

  Tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi định mức giáo  viên tiểu học để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên trên một lớp.

Tương tự, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT và bộ ngành liên quan có chính sách đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chuẩn mới, đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%). Do đó, tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế ngành giáo dục.

GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, trong thực hiện chương trình GDPT 2018, cần tập trung đáp ứng về đội ngũ giáo viên và làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng đội ngũ này, đặc biệt cần quan tâm đến giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên vùng khó.

Tại hội nghị, các địa phương cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thực hiện Chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm học 2024-2025 để các em có định hướng trong việc lựa chọn các môn học; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường..

Trong báo cáo, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn như một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Hiện ngành giáo dục còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong nhiệm vụ quan trọng được Bộ GD-ĐT đề ra cho năm học mới là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. (Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026). Bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học…

Tin cùng chuyên mục