Trong đó có nhiều nội dung sai phạm như tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh; dự án đầu tư xây dựng văn phòng nhà ở; các khu tổ hợp thương mại văn phòng…
38 dự án vi phạm trong chuyển đổi, sử dụng đất công
Quá trình thanh tra giai đoạn 2003-2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, có một số dự án sai phạm trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh, như dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại tại số 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội do Công ty cổ phần Tháp nước làm chủ đầu tư.
Dự án này đã vi phạm quá trình góp vốn, theo đó, TTCP cho rằng, tại thời điểm tháng 1-2017 Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trường hợp đã góp vốn, đầu tư phải thoái vốn, thời điểm thanh tra việc tăng vốn điều lệ và bán quyền mua vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, Sở Quy hoạch kiến trúc đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho chủ đầu tư xây dựng công trình với 3 tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng là 4,5m phía đường Yên Phụ, như vậy là vi phạm về Nghị định số 39 về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.
Đối với dự án khu nhà ở và công trình công cộng số 409 đường Nguyễn Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội do Tổng công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, có sai phạm trong việc chuyển nhượng đất vượt quy hoạch tổng mặt bằng, trong 4 thửa đấy ký hiệu C12, C13, C36, C37 đã tăng thêm mỗi thửa 30m² vào diện tích đất giao thông nội bộ, diện tích này chưa được các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, quy hoạch.
Các dự án khác như Chung cư cao tầng và trung tâm thương mại 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần may Thăng Long làm chủ đầu tư; Dự án TTTM, văn phòng, căn hộ tại 302 phố Cầu Giấy do Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư vi phạm về xác định tiền sử dụng đất phải nộp không đúng quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa kịp thời…
Bên cạnh đó, các dự án khác như: Dự án tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, TTTM trên các ô đất B0/CC1, B9/CC3 và B9/CC2 Khu đô thị Nam Trung Yên do Công ty Thùy Dương làm chủ đầu tư; Dự án khu văn phòng, dịch vụ nhà ở số 164 Khuất Duy Tiến do Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và thiết bị công nghiệp, Công ty cổ phần kinh doanh vật tư và xây dựng, Công ty đầu tư Sông Đà làm chủ đầu tư; Dự án TTTM, dịch vụ văn phòng tại số 87 đường Lĩnh Nam do liên doanh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà và Công ty cổ phần xây dựng kỹ thuật Việt Nam làm chủ đầu tư, và một số dự án khác theo TTCP đều vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, sai phạm trong việc thực hiện triển khai dự án đầu tư theo quy hoạch.
Để xảy ra những sai phạm này, TTCP cho rằng, trách nhiệm sai phạm trên thuộc về UBND TP Hà Nội; Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Tài nguyên Môi trường, Hội đồng thẩm định giá và Chủ đầu tư.
Sai phạm trong dự án đầu tư từ vốn ngân sách
Bên cạnh việc thanh tra các dự án đầu tư về chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đất có vị trí đắc địa thì TTCP cũng tiến hành thanh tra trực tiếp một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngấn sách.
Đáng chú ý, các dự án hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng chiều dài 14,7km, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD.
TTCP cho rằng, công tác đấu thầu của gói thầu 04/BRT-TB gồm 35 xe do nhà thầu liên doanh Công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải thực hiện chưa tuân thủ thủ tục theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng thế giới, không lập dự toán theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu. Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí (tiền ăn, tiền thuê xe...) số tiền vượt so với hợp đồng đã ký là 206,83 triệu đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Các gói thầu 01d/BRT-XL chậm tiến độ 417 ngày; các hạng mục gây lãng phí ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,7 tỷ đồng; chủ đầu tư thực hiện một số việc không đúng quy định gây thất thoát hơn 600 triệu đồng, và nhiều hạng mục gây thất thoát khác, tổng số tiền thiệt hài hơn 3 tỷ đồng. Đối với gói thầu BRT CP04a; BRT CP04b đều gây lãng phí ngân sách hơn 15 tỷ đồng.
TTCP cũng cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư là hơn 887 tỷ đồng, trong đó thực hiện các gói thầu số 08, 09, 10, 11 gây thất thoát ngân sách gần 20 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, quận Long Biên do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 98 tỷ đồng. Dự án này cũng gây thất thoát hơn 4 tỷ đồng do nghiệm thu sai quy định. Các gói thầu khác sử dụng ngân sách nhà nước như hạng mục trồng cây xanh; đào phá bục, bệ, nền nhà, đào mương, móng; vận chuyển đất do phá dỡ, dọn dẹp công trường; điều chỉnh trượt giá vật liệu đều gây thất thoát ngân sách từ hơn 600 triệu đến hơn 14 tỷ đồng.
Kiến nghị thu hồi hơn 465 tỷ đồng thất thoát
Từ những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục trong vi phạm công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất. TTCP kiến nghị thu hồi số tiền hơn 465 tỷ đồng thất thoát, trong đó số tiền 361,5 tỷ đồng tiền do chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1.400m² và tiền sử dụng đất khu văn phòng, thương mại hơn 2.000m².
TTCP giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý và thu hồi về ngân sách Thành phố hơn 925 tỷ đồng, gồm tiền sử dụng đất, thuê đất do chủ đầu tư một số dự án còn nợ đọng; tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Xử lý và giảm trừ khi thanh quyết toán đối với 4 dự án đầu tư xây dựng số tiền là 31,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TTCP kiến nghị xử lý trách nhiệm trong việc hướng dẫn Công ty cổ phần An Lộc được miễn giấy phép xây dựng công trình không đúng quy định. UBND TP Hà Nội đồng thời cũng phải xử lý trách nhiệm, kiểm điểm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ theo quy định pháp luật.