Nhiều việc cần làm để ngăn hiểm họa cháy

Vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chiều 1-11-2016 đã gây ra hậu quả thảm khốc, có đến 13 người tử vong. Thật đáng lo ngại khi trên dòng tin thời sự, 5 tháng vừa qua trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tử vong thương tâm do hỏa hoạn. Rạng sáng 4-10-2016, vụ cháy tại cửa hàng dịch vụ cưới hỏi ở quận 12 (TPHCM) khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Ngày 27-7-2016, vụ cháy bếp tại huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) khiến 2 trẻ em tử vong. Ngày 24-7-2016, vụ cháy tại một cửa hàng vàng mã ở huyện An Lão (TP Hải Phòng) khiến 2 trẻ em tử vong. Rạng sáng 27-6-2016, vụ cháy nhà tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khiến 4 người tử vong. Ngày 10-6-2016, vụ cháy một cửa hàng bán bếp từ ở quận Tân Phú (TPHCM) làm 4 người tử vong...

Nhiều bài học đau xót từ các vụ cháy chết người. Tình trạng xây dựng, thiết kế, mắc điện không tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn còn rất phổ biến. Các nạn nhân đã bị chết oan vì lâm vào tình thế hiểm nghèo, có mặt ở nơi thiếu đảm bảo an toàn về điện, gas, hàn xì; nhà ở hay nơi sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về PCCC. Không ít trường hợp trẻ em tử vong trong đám cháy do thiếu kỹ năng thoát hiểm.

Thật đáng trách khi những hiểm họa đã từng xảy ra nhưng rồi vẫn tái diễn. Vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết ở Hà Nội ngày 1-11 được xác định nguyên nhân do thiếu thận trọng khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2. Bất cẩn khi hàn xì đã từng là nguyên nhân vụ cháy kinh hoàng 5 năm trước, ngày 29-7-2011, tại xưởng may giày ở huyện An Lão (TP Hải Phòng) khiến 13 công nhân chết cháy và 25 công nhân khác bị bỏng 24% - 90% cơ thể. Và bất cẩn khi hàn xì cũng đã từng là nguyên nhân vụ cháy kinh hoàng 14 năm trước, ngày 29-10-2002, tại tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC, quận 1, TPHCM) khiến 60 người chết, 70 người bị thương. Vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết cũng là một hiểm họa đã được cảnh báo rất nhiều lần: Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên cả nước đã xảy ra đến 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Lẽ ra là cơ sở kinh doanh có khả năng xảy ra bất trắc cao như vậy, chủ quán karaoke đã không chủ quan sử dụng vật liệu dễ cháy, biết ý thức chủ động đối phó tình huống cháy, không bít kín lối thoát hiểm.

Hiểm họa cháy sẽ còn rình rập khi các chủ thầu xây dựng vẫn không có phương án thi công an toàn, không giám sát kiểm tra công việc tại chỗ, và vẫn liều mạng sử dụng thợ hàn chưa qua đào tạo. Hiểm họa cháy cũng sẽ chưa hết khi nhiều chủ đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn xem thường quy định về PCCC. Mặc dù đã có các quy định và được lưu ý nhắc nhở về an toàn phòng cháy, nhưng nhiều nhà ở và cơ sở kinh doanh, dịch vụ, trường ngoại ngữ... vẫn xây dựng cơi nới, rào kín ban công, dựng bảng hiệu kín mít mặt tiền bít lối thoát hiểm, cản trở việc chữa cháy. Qua điều tra các vụ hỏa hoạn chết người, Cảnh sát PCCC TPHCM ghi nhận có nhiều trường hợp nạn nhân phát hiện cháy khi cầu thang và cửa ra đã bị lửa bịt kín, trong khi đó biển hiệu hoặc biển quảng cáo lớn chắn hết ban công trên lầu, nên nạn nhân không thoát ra được, bị tử vong do ngạt khói.

Để hạn chế tối đa các vụ cháy chết người, phải ngăn ngừa, khắc phục hết những nguy cơ nêu trên. Có nhiều việc cần làm ngay. Thực tế ở các đô thị nước ta, có tình trạng nhà phố thiết kế dạng nhà ống, không có lối thoát hiểm, chỉ có cửa chính duy nhất là lối thoát, nên không an toàn PCCC. Nhiều nhà ở cũng là nơi buôn bán, chất nhiều hàng hóa trong nhà, nên khi cháy thì khói tỏa ra nhiều, người trong nhà dễ bị chết vì ngạt khói. Tại các khu đô thị mới, mặc dù đã có quy hoạch những khoảng trống thông thoáng để khi xảy ra cháy khói sẽ thoát ra ngoài nhanh hơn, đồng thời có lối để thoát nạn, thế nhưng nhiều người lại cố ý xây dựng cơi nới phá vỡ thiết kế, rào kín, tự đưa gia đình mình vào tình thế mất đường thoát hiểm. Do vậy, trong quản lý xây dựng, không thể dung túng cho những trường hợp xây dựng sai phép, vi phạm an toàn PCCC; không thể chỉ phạt rồi cho hợp thức hóa. Cũng cần thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trường ngoại ngữ... có nhiều người lui tới, kiên quyết buộc tạm đình chỉ hoạt động nếu phát hiện không đảm bảo an toàn.

Nếu xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ xử lý pháp luật đối với người vi phạm quy định PCCC gây ra vụ cháy, mà cần xét đến trách nhiệm liên đới của những cán bộ quản lý xây dựng, PCCC, cấp phép… nếu đã lơ là trách nhiệm, hợp thức hóa, cấp phép dung túng cho việc vi phạm quy định PCCC. Một vấn đề rất quan trọng là tăng cường thông tin, hướng dẫn các quy định về an toàn PCCC rộng rãi trong nhân dân, để mọi người không chủ quan mất cảnh giác với nguy cơ cháy; đồng thời chú trọng giáo dục kỹ năng thoát hiểm cho người dân, nhất là trẻ em. Qua việc Cảnh sát PCCC phải mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn để dập tắt đám cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội cho thấy lực lượng Cảnh sát PCCC cần phải được nâng cao hơn nữa về năng lực, nghiệp vụ, phương tiện, và rèn luyện sẵn sàng tác chiến để có thể ứng phó hiệu quả hơn khi chữa cháy.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục