Mở đường, xây cầu vẫn chưa thể hết kẹt xe

Thành ủy TPHCM vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, với 7 chương trình đột phá. Trong đó, chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm và rất trông chờ những giải pháp hữu hiệu.
Mở đường, xây cầu vẫn chưa thể hết kẹt xe

Thành ủy TPHCM vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, với 7 chương trình đột phá. Trong đó, chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm và rất trông chờ những giải pháp hữu hiệu.

Mở đường, xây cầu vẫn chưa thể hết kẹt xe ảnh 1

Phải có quy hoạch rõ ràng thì hàng ngàn tỷ đồng bỏ ra để mở đường, xây cầu mới có thể phát huy hiệu quả chống kẹt xe

Chuyện kẹt xe tại TPHCM là nỗi ám ảnh đối với hàng triệu người dân, từ các phụ huynh đưa rước con hàng ngày hay anh công nhân đi xe máy đến nơi làm việc… phải giam mình giữa dòng xe bất động trong những khung giờ cao điểm, bất kể nắng mưa. Đây là đề tài tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí, thậm chí có nhiều tờ báo còn mở cả diễn đàn nhiều kỳ để bạn đọc góp ý; mời các nhà khoa học, các nhà quản lý hay đại diện chính quyền cùng ngồi vào bàn hội thảo, nhưng xem ra vẫn chưa thấy tín hiệu gì lạc quan. Bởi lẽ, có người quy tội cho xe 2 bánh, có người cho rằng do ý thức giao thông kém, có người chỉ trích xe công cộng… Rồi nhiều nguyên nhân khác có thể kể đến như hạ tầng giao thông kém, xe nhập ồ ạt, giá xe máy ngày càng rẻ…

Để thực hiện chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020, TPHCM sẽ ưu tiên xây dựng các đường vành đai, đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị… Theo đó, đến năm 2020, TPHCM sẽ xây dựng mới 272km đường bộ, 76 cây cầu, đáp ứng 15% - 20% nhu cầu giao thông đô thị. Đây là những con số ấn tượng, nhưng đồng thời đòi hỏi TPHCM phải chuẩn bị một nguồn tài chính khá lớn, kể cả huy động nguồn xã hội hóa. Rõ ràng, để chống kẹt xe, chúng ta đã trả cái giá khá lớn, về nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, chừng đó cũng chưa đủ để giải quyết triệt để nạn kẹt xe.

TPHCM có những khu đô thị mới được xây dựng khá đẹp, có những con đường rộng lớn, nhưng rồi cũng bị kẹt xe. Nguyên nhân được nhận diện: hàng loạt cao ốc chung cư đã mọc lên đến mức quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong khi đó, ngay tại các quận nội thành, nơi mật độ xây dựng và dân cư đã quá lớn, nhiều cao ốc chung cư vẫn đang tiếp tục mọc lên. Hệ số nén về nhà ở tại TPHCM đã quá ngưỡng. Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt xe, ùn tắc, TP bắt tay vào chỉnh dòng giao thông, mở rộng đường, xây thêm cầu vượt, mở rộng bãi đậu máy bay… Thế nhưng, hàng loạt cao ốc đang đua nhau mọc lên quanh khu vực sân bay, từ đường Hồng Hà đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rồi Hoàng Văn Thụ. Chắc chắn khi các cao ốc này đi vào vận hành, nạn kẹt xe sẽ càng trầm trọng hơn.  Tương tự, khi nhà ở xã hội đang teo tóp, như con bệnh đang chờ thuốc thì nhà ở cao cấp ồ ạt mọc lên không chỉ ở những quận ven mà còn ngay tại cái rốn của vùng lõi. Góc đường Ba Tháng Hai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) không lúc nào ngớt xe, vậy mà một loạt cao ốc mọc lên và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Rồi cách đó chưa đầy 500m, một dự án khác đang được quảng cáo khá ầm ĩ và rao bán với quy mô lên đến hàng ngàn căn hộ. Trên đường Phan Đăng Lưu (gần trụ sở Công an quận Bình Thạnh), một rẻo đất nhỏ giờ cũng khoác trước mặt tiền tấm biển đang xây dựng một… tower!

Tháng trước, Báo SGGP đã có bài viết đặt vấn đề về quy hoạch đô thị. Đây là phương thuốc hữu hiệu để chống kẹt xe, tuy nhiên chưa được cơ quan chức năng quan tâm, phản hồi. Người dân có quyền đặt câu hỏi: TPHCM quy hoạch dân số là bao nhiêu? Bao giờ chấm dứt việc các cao ốc cứ lần lượt mọc lên tại khu vực nội thành? Quy hoạch nào cho đô thị vệ tinh?... Phải có quy hoạch rõ ràng thì hàng ngàn tỷ đồng bỏ ra để mở đường, xây cầu mới có thể phát huy hiệu quả chống kẹt xe.

TRẦN THIỆN ĐĂNG
(quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục