Tôi may mắn biết anh từ những ngày đầu tập tễnh vào “thế giới trường thuốc”, lúc đó anh đã là một người thầy “bên giường bệnh” và là chủ bút của tờ báo “Học san Y khoa”, chuyên san nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ của Y khoa đại học đường Sài Gòn. Ngày ấy, là đứa em út trong Ban biên tập tạp chí “Kiến thức y khoa” của Hội đồng Nội trú và Sinh viên, tôi thường được phân công liên hệ bài vở với các thầy giáo trẻ trong đó có anh. Tài hoa và sự gắn bó “hồn nhiên, bẩm sinh” của anh với “cái học” đã cuốn hút tôi từ những ngày đầu tiên ấy cho đến tận giờ phút nầy khi anh vừa mới ra đi về Cõi vĩnh hằng.
Anh là bác sĩ nội trú đầu tiên của ngành chấn thương chỉnh hình (CTCH) ở Sài Gòn, nổi tiếng có đôi tay tài hoa, mổ giỏi bằng cả 2 tay. Cảm tình với Cách mạng, anh tham gia các phong trào đấu tranh đòi “Tự trị Đại học”, “Giảng dạy tiếng Việt trong trường đại học y”. Anh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nội trú, Trưởng Đoàn công tác sinh viên y khoa Sài gòn nhiều năm liền. Anh đã đề xướng và thực hiện chương trình “Đêm Thứ Năm” nhằm bồi dưỡng kiến thức y khoa cho bác sĩ và sinh viên tại hội trường Bệnh viện Bình Dân. Dấu ấn của những “Đêm Thứ Năm” vẫn còn đậm nét trong tôi và đồng nghiệp.
Sau ngày thống nhất đất nước, anh là thành viên tích cực của Trường Đại học Y Dược, Bệnh viện Bình Dân và của Hội Trí thức yêu nước TPHCM. Cùng với Giáo sư Trương Công Trung, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cương, Viện sĩ Dương Quang Trung…, dấu chân anh đã in đậm trên khắp mọi miền đất nước từ Cà Mau, Côn Đảo đến Cao Bằng, Lạng Sơn… với các hoạt động chuyên môn và phong trào của Trường, Hội. Anh tiếp tục duy trì chương trình “Đêm Thứ Năm” tại Bệnh viện Bình Dân. Khi được điều động về phụ trách Trung tâm CTCH TPHCM, anh lại khai sinh ra các chương trình “Đêm Thứ Tư” rồi “6 giờ 30 sáng tại Khoa Chỉnh hình Nhi”, “Diễn đàn Cơ-Xương-Khớp”, “10 phút- 1 vấn đề vào 6 giờ 45”. Tất cả đều nhằm một mục đích duy nhất là thúc đẩy mọi người cùng đọc, cùng học,… học mãi không ngừng.
Với vai trò Chủ nhiệm Bộ môn CTCH Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Bộ môn CTCH và Bộ môn Phẫu Nhi Đại học Y Dược TPHCM, anh là người thầy mẫu mực trong công tác giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học. Rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học, bác sĩ chuyên khoa cấp II đã được anh hướng dẫn và bảo trợ luận án, luận văn. Đối với đàn em, học trò, anh luôn tôn trọng, động viên, tìm cách phát triển, bồi dưỡng mặt mạnh, ưu điểm của họ. Anh luôn tìm thấy cái “giá trị” trong mỗi con người và luôn lạc quan nhìn về mặt tốt của một vấn đề. Nhờ vậy, nhiều người trong số họ nay đã trưởng thành, tiếp bước anh.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch và Phó Tổng Biên tập “Thời sự Y Dược Học”, anh đã góp công lớn trong việc hình thành và phát triển Hội Y Dược học cùng các Hội chuyên ngành ở TPHCM, đặc biệt các Ngành Cơ-Xương-Khớp. Dưới sự lãnh đạo của anh, Trung tâm CTCH ngày càng phát triển mạnh về lượng cũng như về chất, uy tín ngày càng cao và nổi tiếng trong toàn quốc và thế giới.
Qua anh, rất nhiều giáo sư, viện sĩ, chuyên gia đầu ngành CTCH thế giới đã đến với Việt Nam và làm việc với Trung tâm và nay là Bệnh viện CTCH. Mặt khác, anh cũng là nhịp cầu đưa anh em đi tu nghiệp, học tập ở nước ngoài. Là người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Hội Chỉnh hình Nhi TPHCM, anh đã liên kết hoạt động chuyên môn với Hội Chỉnh hình Nhi Châu Âu và Bắc Mỹ cũng như với Hiệp hội Hành động Vì Trẻ Em của Thụy Sĩ. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng CTCH người lớn và trẻ em ngày càng được nâng cao, tiếp cận với trình độ thế giới.
Anh lại tham gia xây dựng “Mạng lưới chấn thương chỉnh hình”, “Mạng lưới kỹ thuật Bột”, tổ chức hội nghị hằng năm ở các tỉnh, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các Khoa CTCH ở các bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngành Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam và TPHCM có được diện mạo ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của anh. Năm 2005, anh đã được tôn vinh “Nhân Vật Chấn Thương Chỉnh Hình ”, như một dấu son ghi nhận những cống hiến của anh cho sự phát triển ngành.
Gần đây, dù sức khỏe của anh bị suy sụp nhanh chóng, anh vẫn gắn bó với công việc giảng dạy, đào tạo. Như đã đoán trước được sự “ra đi” của mình, anh đã tâm sự, dặn dò, phân công đàn em, học trò tiếp tục lo dạy cho nội trú, sinh viên cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Ngày anh ngã gục, phải đi bệnh viện cấp cứu với lượng máu trong người chỉ còn một nửa và một nửa người bị liệt, lòng anh vẫn đau đáu chuyện đào tạo. Buổi tối khi vào thăm, dù còn thở Oxy và với giọng nói thều thào, hổn hển anh đã hỏi tôi về việc bảo vệ luận án của một đàn em lúc chiều ra sao, có khó khăn, trục trặc gì không. Rồi anh lại ưu tư, băn khoăn đề cập đến các nghiên cứu sinh do anh hướng dẫn nhưng chưa tốt nghiệp không biết rồi đây sẽ ra sao.
Nghe anh nói, nhìn thân hình tiều tụy gần với “cõi chết” của anh, tôi lặng người thấy cái “Tâm” của anh quá lớn đối với đàn em, học trò. Hôm sau mở e-mail, tôi lại nhận được chương trình sinh hoạt của “Nhóm Tái tạo khớp” do anh tổ chức và vài ngày sau đã thấy anh ngồi xe lăn vào bệnh viện để điều hòa giao ban buổi sáng giúp anh em học hành! Mọi người và tôi đều cảm nhận rất rõ thông điệp mà anh nhắn gởi là “muốn hành nghề y tốt, chúng ta phải học và không ngừng học tập” và “tất cả vì đàn em, vì học trò”. Dù thập tử nhất sinh, anh vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời. Không ai thấy ở anh một biểu hiện của sự yếu đuối, buồn phiền. Anh còn đùa vui khi anh em trong bệnh viện đến nhà chúc mừng sinh nhật thứ 71 của anh. Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi “tương đối khỏe”, anh đi thăm bạn bè, người quen; ánh mắt và đôi bàn tay anh như muốn thu nhận tất cả những gì thân thương, gần gũi vào lòng mình.
Vào lúc 16 giờ 10 ngày 25-3-2011, anh đã ra đi trong vòng tay gia đình và đồng nghiệp. Mọi người kính trọng và thương mến anh. Anh, Giáo sư Bác sĩ Võ Thành Phụng, đã “Sống một cuộc đời thật đẹp”. Xin vĩnh biệt Anh, người Thầy suốt đời vì bệnh nhân, vì đàn em, học trò.
BS Lê Chí Dũng
Thầy Thuốc Nhân Dân
Nguyên Chủ Tịch Hội Chấn Thương Chỉnh Hình TP Hồ Chí Minh