Trong mỗi chúng ta, từ khi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành bước vào đời bằng nhiều công việc khác nhau nhưng ai cũng có riêng cho mình hình bóng một người thầy làm thần tượng.
Tuổi lên 10 nhưng trong ký ức tôi không bao giờ phai nhòa hình ảnh thầy dù thời gian trải dài hơn nửa cuộc đời con người, tôi nhớ như in vào thời điểm năm 1973 lúc ấy tôi đang học lớp nhì (bây giờ lớp 4) của trường tiểu học cộng đồng, phụ trách lớp học là thầy Tôn Thất Hồi. Tôi không sao quên được ngày đầu thầy đến lớp dạy buổi chiều, vừa bước vào cửa lớp thầy chào học trò bằng cách đề nghị cùng lớp hát bài “Nối vòng tay lớn”. Thầy cùng hát và đệm đàn ghita thùng, hát xong thầy mở dây đàn quàng ở cổ ra, đặt cây đàn xuống bàn giáo viên rồi mới tự giới thiệu: Thầy tên Tôn Thất Hồi, quê thầy ở Phan Thiết, nhà gần biển nên hàng năm có vài cơn bão không hẹn trước cứ đổ bộ ghé vào nên người dân sống nghề biển luôn chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống người dân còn nhiều cực khổ, nghèo khó, học trò tuổi như các em ở đây ngoài giờ học thường theo cha mẹ theo ghe câu mực, bắt cá, bắt cua để tìm kế sinh nhai.
Thầy ở xa mới ra trường được điều động đến dạy ở đây, thầy là người lạ không quen ai ở mảnh đất được mang danh là “Ấp chiến lược” này. Để dễ dàng và thuận tiện cho công tác giảng dạy, thầy xin gia đình tôi cho thầy tá túc, trước là kèm tôi học tập sau phụ lặt vặt chuyện gia đình, nhưng quan trọng hơn sau này thầy nói tôi mới rõ: sở dĩ thầy ở nhà tôi là thầy tìm cách né được các cặp mắt cú vọ của lính ngụy, của mấy tên chiêu hồi chỉ điểm lúc nào cũng thường xuyên theo dõi thầy vì nghi thầy hoạt động cho cách mạng và ưa tổ chức cho học sinh trong trường sinh hoạt, hát tập thể các bài hát phản chiến mà thầy biết qua phong trào sinh viên học sinh.
Vì sống ở vùng thường xuyên xảy ra chiến tranh nên thầy cũng như người dân ở đây quen chịu đựng bom đạn, cảnh bắn giết, cảnh chết chóc diễn ra như cơm bữa. Tôi nhớ có lần cuối năm 1973, tại nơi đây diễn ra trận đánh ác liệt, bom máy bay Mỹ thả xuống, đạn pháo từ xa nã vào suốt 3, 4 ngày, khắp nơi khói lửa cháy mịt mù mà thầy không chịu cùng gia đình tôi tản cư ra vùng giải phóng cũ cho an toàn, trái lại thầy tình nguyện ở lại bám trụ. Trận chiến đi qua, thầy cùng gia đình tôi thu dọn, sửa lại mấy cột nhà cháy xém vì dính bom xăng rồi thầy cùng ba tôi dựng lại mái nhà khác. Thầy tiếp tục ở gia đình tôi và dạy cho đến ngày giải phóng Sài Gòn rồi ra đi không để lại một thông tin nào.
Đến năm 1980, lúc tôi đang theo học ở Trường Trung học Sư phạm TPHCM, tôi được đứa em đang công tác ở Công an quận 10 (TPHCM) báo tin là gặp thầy đang điều trị bệnh đau bao tử ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Vì gặp nhau đúng ngày thầy xuất viện nên không thăm hỏi được nhiều, thầy ghi và trao cho thằng em dòng địa chỉ ngắn gọn: Tôn Thất Hồi. Trường TH Phú Thủy - Phan Thiết. Mấy ngày sau, tôi viết thư cho thầy gởi theo địa chỉ ngắn gọn đó với mong muốn nối lại thông tin với thầy và đúng như ước nguyện, tôi vui mừng nhận được thư hồi âm của thầy.
Trong thư thầy bảo gia đình thầy rất khỏe và rất nhớ Củ Chi, thầy kể lại nhiều kỷ niệm lúc dạy học và những lần cắm trại sinh hoạt tập thể và nói lý do ngày ấy thầy lật đật nhanh chóng trở về quê vì quá mừng đất nước hết chiến tranh, thầy rất nhớ nhà và không biết gia đình ra sao sau mấy năm thầy biền biệt xa cách và lòng tự hứa ngày nào đó ổn định công việc sẽ về lại Củ Chi thăm gia đình tôi, nhưng rồi thầy bị cuốn hút vào công việc quản lý trường tiểu học, bị bệnh bao tử triền miên nên chưa thực hiện được lời hứa của mình.
Trong thư, thầy bảo tôi có dịp ra Phan Thiết chơi một chuyến. Mùa hè năm 1981, tôi ra Phan Thiết thăm thầy, tôi tìm đến nhà thầy nhờ giáo viên Trường TH Phú Thủy hướng dẫn. Lúc đến nhà, thầy bận đi công tác, mặc dù cả nhà thầy không ai biết tôi, nhưng khi nghe tôi giới thiệu ở Củ Chi ra là cả gia đình thầy mừng lắm. Mệ của thầy già, đi lại khó khăn nhưng luôn thăm hỏi tôi đủ điều. Tôi được xem như người thân trong gia đình đi xa mới về. Ngày tôi chia tay gia đình thầy, vợ thầy gói kỹ bình nước mắm ngon trong chiếc xách bàng, bảo gởi làm quà cho gia đình tôi ăn lấy thảo, tôi cầm xách bàng mà lòng trĩu xuống, nước mắt rưng rưng.
Từ đó có dịp đi công tác thành phố Hồ Chí Minh là thầy tranh thủ lên thăm gia đình tôi, lần nào cũng vậy, khi thầy biếu chai nước mắm, vài ký khô, lúc vài ký thanh long… Quà đơn sơ nhưng tình cảm dạt dào. Cả nhà tôi xem thầy như người thân trong gia đình.
Hiện tại thầy Hồi đang làm công tác thanh tra của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Thuận. Nhưng những hình ảnh và cách sống của thầy trước giải phóng hay hiện tại đều hết sức tình cảm với mọi người, với học trò vùng quê nghèo ngày nào. Thầy thật sự là người thầy đáng kính, tấm gương của thầy mãi là động lực tiếp sức cho tôi vững bước theo nghề giáo mà tôi đã lựa chọn
TRẦN VĂN TÁM