Nhóm vũ nhạc Tararam dự Festival Huế

Trung tâm Festival Huế cho biết, lần đầu nhóm vũ nhạc Tararam của Israel tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2014 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

(SGGP).- Trung tâm Festival Huế cho biết, lần đầu nhóm vũ nhạc Tararam của Israel tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2014 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Tararam thành lập vào năm 1997 bởi nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Doron Raphaeli. Tararam là một sự hòa trộn đặc biệt giữa giai điệu, chuyển động của cơ thể đan xen với chuỗi âm thanh đặc biệt tạo nên từ những vật dụng tái chế hết sức bình thường như những chiếc vỏ lon, thùng nhựa hay kim loại, ghế gỗ, thìa, trống và nhiều nhạc cụ gõ khác. Nhóm đã chinh phục khán giả tại Israel và thế giới bằng những chương trình biểu diễn sôi động đầy hứng khởi. Đến nay, ngoài các đơn vị nghệ thuật trong nước, hiện đã có 26 đoàn nghệ thuật thuộc 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Festival Huế lần 8 diễn ra từ ngày 12-4 đến 20-4-2014.

VĂN THẮNG

  • Quán quân Giọng hát Việt nhí ra mắt khán giả thủ đô

(SGGP).- Quán quân Giọng hát Việt nhí Nguyễn Quang Anh cùng “chị Bảy” Phương Mỹ Chi sẽ ra mắt khán giả Hà Nội trong chương trình Ông trăng ơi! xuống đây chơi nhân dịp Trung thu 2013 diễn ra tối 18-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Mặc cho những thông tin về những công văn vận động bầu chọn khiến dư luận xôn xao, Quang Anh đã đoạt quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 đầy sức thuyết phục bằng tài năng bẩm sinh của cậu bé. Quang Anh xứng đáng với những gì mà em nhận được, ngoài giải thưởng, còn là sự hâm mộ, tình cảm của khán giả dành cho em.

Cùng hòa trong không khí của Tết Trung thu, ngày 15 và 19-9, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ dạo chợ quê” tái hiện một không khí Tết Trung thu rộn ràng, tưng bừng tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Khách mời đặc biệt là người hùng chạy bộ - “Running man” Vũ Xuân Tiến.

MAI AN

  • Phim ngắn kêu gọi bảo vệ tê giác

(SGGP).- Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn Tê giác Nam Phi và mối liên hệ với Việt Nam. Bộ phim dài 1 phút 30 giây nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về thực trạng đáng báo động cùng những hiểm họa mà các loài tê giác trên thế giới hiện đang phải đối mặt. Sử dụng kỹ thuật hoạt họa, mỗi cảnh trong đoạn phim đã tái hiện chuỗi mắt xích trong đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Phim cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng 70% số lượng sừng tê giác tiêu thụ ở Việt Nam là giả. Đây là phim ngắn thứ 16 mà ENV đã sản xuất trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm liên quan tới động vật hoang dã. Có thể xem trực tuyến tại: http://www.youtube.com/watch?v=jKv1csWzmVo

TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục