Những cảm xúc đẹp về quê hương

Những cảm xúc đẹp về quê hương

Được phát động từ ngày 7-4-2005 đến ngày 13-10-2005, sau hơn 5 tháng, cuộc thi viết “Quê hương trong mắt tôi” do tạp chí Văn hóa Thông tin tổ chức đã thu hút 80 tác giả ở khắp mọi miền đất nước với hơn 150 bài viết. Trong số đó, nhiều bài viết đã mô tả chân thành tình cảm quê hương rất thiết tha…

  • Những cây bút trẻ và xúc cảm tươi mới
Những cảm xúc đẹp về quê hương ảnh 1

Tại lễ trao giải cuộc thi viết “Quê hương trong mắt tôi”.

Một điều khá bất ngờ với Ban tổ chức và Ban giám khảo là những tác giả đoạt giải của cuộc thi viết này phần lớn đều là những gương mặt còn rất trẻ. Họ là những phóng viên, giáo viên và những bạn trẻ đang hàng ngày công tác trên mọi lĩnh vực, sống và hòa mình trong nhịp sống hiện đại. Họ tiêu biểu cho một lớp trẻ năng động, làm việc hết mình nhưng vẫn dành những phút thời gian hiếm hoi của mình để chiêm nghiệm cái đẹp, để cảm nhận cuộc sống và viết.

Người được coi là “lão làng” nhất trong danh sách đoạt giải lần này là tác giả Nguyễn Công Liệu (bút danh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Lương Hiệu) từng thành công với nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và là cộng tác viên của nhiều tờ báo tại TPHCM. Anh đoạt giải ba với bài viết “Sức hấp dẫn ở Hầm Hô”. Hai thí sinh đoạt giải khuyến khích và giải có nhiều bài viết dự thi nhất là hai bạn Nguyễn Sĩ Toàn và Phan Quốc Vinh.

Mặc dù công việc ở Việt Nam Airlines khá bận rộn nhưng hai bạn trẻ vẫn sắp xếp cùng nhau đi du lịch, viết bài tham dự cuộc thi. Hai bạn bật mí: Cả hai đều mê du lịch nên cuộc thi đã khơi đúng nguồn. Quốc Vinh đảm nhận viết bài, còn Toàn lo trọn gói khâu chụp ảnh. Nhờ phối hợp nhịp nhàng nên cả hai đã có tới 15 bài gửi dự thi. Tạo ấn tượng nhất vẫn là Nguyễn Thu Giang, công tác tại Travel Indochina (Hà Nội) đoạt giải nhất với chùm bài viết: “Ra biển”, “Sapa - Bắc Hà, vùng đất lạ thân quen” và “Thị trấn dâu da”.

Giang tâm sự: “Tôi may mắn được đi du lịch nhiều nơi, nhưng tôi chọn Quỳnh Côi (Thái Bình)- một thị trấn nhỏ và ít người biết đến để viết vì với tôi không nơi nào đẹp bằng nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên”. Chính từ tình cảm chân tình và vô tư với mảnh đất quê hương mà Nguyễn Thu Giang đã được Ban giám khảo cuộc thi trao giải cao. Người đọc như bị cuốn vào những trang viết về vùng đất ấy: “Tháng tư mùa hoa dâu da, thị trấn Quỳnh Côi của tôi đẹp lộng lẫy… Hoa dâu da nở trắng xóa như những đám mây bông mùa hè, mùi hương dịu mát tỏa khắp không gian. Buổi tối ăn cơm xong, tôi thường theo mẹ đi ra đường đi bộ dưới những tán hoa dài hàng cây số. Mỗi cơn gió thổi qua đều làm thành một trận mưa hoa”.

Rồi tác giả băn khoăn: “Mở đường, người ta phải chặt bớt dâu da, cả những cây cổ thụ. Không biết những cô bé học trò có như mình ngày xưa, xao xuyến mỗi lần hoa dâu da nở báo mùa thi..”.

  • Nghĩ về những bộ sách du lịch Việt Nam

Sau thành công của cuộc thi viết về quê hương lần đầu tiên, từ năm 2006, tạp chí Văn hóa- Thông tin quyết định tổ chức cuộc thi này vào tháng 4 hàng năm. Đây là một ý tưởng hay. Và từ nhiều cuộc thi, có lẽ cũng nên bắt đầu nghĩ đến tuyển tập những bộ sách hay giới thiệu về du lịch Việt Nam.

Chỉ với một bức ảnh về nụ cười Việt Nam, thông điệp về một đất nước thân thiện đã được truyền tải nhanh chóng hơn hàng ngàn lời tuyên truyền, quảng cáo. Để phát triển du lịch Việt Nam, chúng ta cũng cần có nhiều ấn phẩm đẹp và hay để tuyên truyền cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi ngành du lịch các nước bỏ nhiều công sức, tiền của để có nhiều ấn phẩm thông tin du lịch phong phú thì mảng sách này ở Việt Nam lại quá đơn điệu và nghèo nàn.

Hiện nay, một số công ty du lịch tỉnh, thành phố cũng thực hiện một số ấn phẩm để quảng bá du lịch nhưng phần lớn các ấn phẩm này, hình ảnh đều đã cũ, một số điểm đến không mới, nội dung đơn điệu mang tính liệt kê. Chúng ta đang thiếu những bộ sách đẹp, hấp dẫn, những điểm khám phá mới và những bài viết giới thiệu lôi cuốn, dưới góc nhìn góc cạnh, lạ và mới để thu hút du khách.

Bên cạnh đó, một số sách hướng dẫn du lịch cũng còn quá thiếu và chưa được cập nhật thông tin cụ thể và kịp thời. Đã đến lúc, các nhà xuất bản và các công ty du lịch trong nước cần ngồi lại, cùng liên kết tổ chức nhiều cuộc thi, biên tập những bộ sách hướng dẫn, giới thiệu du lịch Việt Nam, dịch ra tiếng nước ngoài và tổ chức phát hành. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để góp phần quảng bá du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

HÀ THU

Tin cùng chuyên mục