Những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng của người lính Điện Biên

Sáng 17-4, tại tỉnh Điện Biên, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB-XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức gặp mặt, tri ân, với sự tham dự của 139 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến từ TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại buổi gặp mặt. Ảnh: QUANG PHÚC
Các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại buổi gặp mặt. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại đây, câu chuyện của những người lính Điện Biên năm xưa đã gây xúc động mạnh mẽ.

Cụ Bùi Kim Điều, sinh năm 1930, hiện sống tại tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã chia sẻ rất xúc động về ký ức của mình.

Cụ nhập ngũ vào tháng 2-1952, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở C405-E165-Đại đoàn 312 với cương vị tiểu đội phó thông tin. Cụ được tham gia trận chiến đấu mở màn.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 ly đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam. Bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút ngày 13-3-1954 thì kết thúc. Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị…

7 giờ 30 phút ngày 14-3-1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích nhưng thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam.

Trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi.

Ông Bùi Kim Điều.jpg
Cụ Bùi Kim Điều. Ảnh: QUANG PHÚC

Sau đó, đơn vị của cụ Bùi Kim Điều lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập.

Lúc này, bom đạn phá hủy đã làm mất thông tin liên lạc. Một công văn khẩn của trung đoàn (ký hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng.

“Lúc đó tôi cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn. Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3km, chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của các quả đạn pháo binh. Lúc này, 2 đồng chí bị thương, còn lại một mình tôi. Tôi lo nhất là không mang kịp công văn đến các tiểu đoàn, trong đầu chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hỏa tốc và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cụ nhớ lại.

Trận đánh giành thắng lợi, ngày 13-5-1954, đơn vị cụ được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích.

Với cụ Bùi Kim Điều, tham gia đánh trận mở màn giành thắng lợi vang dội đã trở thành ký ức không bao giờ phai.

Cụ chia sẻ, thật may mắn cho những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã đều trên dưới 90 tuổi nhưng vẫn được có mặt tại đây để chứng kiến sự đổi thay phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

"Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường xưa giờ là một thành phố trẻ đang trên đà đổi mới, với tương lai đầy hứa hẹn. Đó chính là điều mà các cựu binh Điện Biên Phủ thấy hạnh phúc vô bờ. Họ cũng chỉ mong, thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"

- cụ Bùi Kim Điều nói.

Kỳ 2.jpg
Cụ Dương Chí Kỳ. Ảnh: QUANG PHÚC

Cụ Dương Chí Kỳ, sinh năm 1934, đến từ TPHCM, nay đã 90 tuổi với 70 tuổi Đảng, 55 tuổi quân ngũ.

Năm 1953, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chàng trai Dương Chí Kỳ cùng các thế hệ thanh niên thời ấy, xếp bút nghiên, tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn E.174, Sư đoàn 316, tham gia đánh giặc cho đến ngày 7-5-1954, sau đó thực hiện nhiệm vụ áp giải tù binh về xuôi.

Sau này, cụ trở lại chiến trường Điện Biên Phủ thu dọn chiến trường, xây dựng nông trường Điện Biên trước khi trở lại Hà Nội học tập.

Lần này lại được trở lại Điện Biên Phủ thăm chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng các anh hùng liệt sĩ, thăm lại Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, cụ Dương Chí Kỳ không giấu nổi hạnh phúc, lẫn bùi ngùi nhớ đồng đội cũ.

“Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa có thể nói đầu đội trời chân đạp đất, áo mộc, anh dũng chiến đấu noi theo các anh hùng Ngô quyền, Nguyễn Huệ, Bà Trưng, Bà Triệu, viết tiếp bản anh hùng ca sau chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa”, cụ Dương Chí Kỳ chia sẻ.

Hình ảnh những chiếc xe thồ nối đuôi nhau chở lương thực, đạn dược ra chiến trường không bao giờ có thể phai mờ trong tâm khảm người lính Điện Biên.

Kỳ 1.jpg
Cụ Dương Chí Kỳ. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhắc lại tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Dương Chí Kỳ cũng chia sẻ, 70 năm đã qua, Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, ánh điện đã rọi sáng đến từng thôn bản.

Là một nhân chứng lịch sử, cụ mong thế hệ trẻ học tập rèn luyện, noi gương tinh thần bất khuất của các anh hùng liệt sĩ năm xưa, rèn luyện, tu dưỡng, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ, đưa quê hương Điện Biên ngày càng khang trang, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người lính Điện Biên năm xưa…

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó đã chia sẻ, câu chuyện của những người lính Điện Biên năm xưa đầy cảm hứng, chứa chan xúc động, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người chúng ta...

Tin cùng chuyên mục