Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Sáng 17-4, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB-XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước đó, chiều 16-4, các đại biểu đã làm lễ dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa Trang A1.

Tới dự chương trình gặp mặt có Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, chương trình gặp mặt, tri ân tại tỉnh Điện Biên có sự tham dự của 139 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến từ TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Cùng dự có các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thân nhân gia đình liệt sĩ Điện Biên.

Việc tổ chức chương trình gặp mặt tại chính mảnh đất Điện Biên là một sự tri ân, lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ.

4.jpg
Hình ảnh tại cuộc gặp mặt sáng 17-4: Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại lễ gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, 70 năm trước, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy mặt trận.

Đồng thời thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Người dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp “phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Đúng ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan các tuyến phòng thủ ở các hướng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Tướng De Castries và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, bị bắt sống.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

8.jpg
Các chiến sĩ Điện Biên tại buổi gặp mặt. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa của một dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau 70 năm ngày chiến thắng, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên, để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

5.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại sự kiện

Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh: "Quên sao được hơn 30.000 chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch đã vận chuyển hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm cho chiến trường. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, các anh, các chị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mới làm được những việc phi thường".

Đó là ông Ma Văn Thắng ở Thanh Sơn, Phú Thọ với dáng người mảnh khảnh mà một chuyến xe đạp thồ chở được 325kg hàng hóa phục vụ chiến dịch. Ông Trịnh Đình Bầm ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhà nghèo, không có xe đạp thồ nên đóng xe cút kít để đi dân công; còn thiếu một bánh xe, ông đã kính cáo tổ tiên, gỡ bàn thờ hoàn thành chiếc xe cút kít.

"Còn hàng ngàn, hàng vạn người nữa chưa thể kể tên đã hy sinh xương máu, góp công, góp sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tên của các anh, các chị đã thành tên non sông, đất nước Việt Nam", đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và 54 tỉnh, thành phố tổ chức gặp mặt, tặng quà, tri ân 13.836 thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, để cùng nhau nhắc nhở về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

1-3393.jpg

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cũng nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua, Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Tây Bắc, mãi mãi ghi nhớ công ơn của Đảng, Bác Hồ, của các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã chiến đấu, hy sinh và tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và sự hy sinh, đóng góp cao cả của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ”, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nêu.

>>>Những hình ảnh tại cuộc gặp mặt xúc động với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

2.jpg
6.jpg
7.jpg
4.jpg
1.jpg
2.jpg
3.jpg

Tin cùng chuyên mục