Những người lính ở biên giới Tây Bắc

Những người lính ở biên giới Tây Bắc

Mùa mưa.

Đường vào Sốp Cộp (Sơn La) vốn đã quanh co hiểm trở càng bất an hơn bởi đất đá có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Sông suối nước chảy băng băng, nước ngầu ngầu đục. Xe chúng tôi chẳng vào tận Đồn biên phòng 449 Nậm Lạnh được vì không vượt qua nổi mấy khúc lầy lội. Mấy nhà văn ba lô mang vai, quần xắn gối cuốc bộ vào với lính quân hàm màu lá cây.

Một quang cảnh xanh - sạch - đẹp hiện ra trước mắt chúng tôi. Nối tiếp màu xanh của núi rừng là màu xanh của khuôn viên đồn. Hoa hồng tươi thắm nở trước hiên nhà. Mấy chàng lính trẻ tán: “Tháng 3, các anh lên đây còn tuyệt nữa; hoa loa kèn nở đỏ thắm vàng tươi như cờ Tổ quốc, bên ngoài thì hoa cúc quỳ trổ vàng miên man, lãng mạn lắm”.

Đồn Nậm Lạnh quản lý 25km đường biên. Núi non chập chùng, cheo leo. Tây Bắc thời tiết thất thường. Mùa khô, hanh heo lạnh giá, đến con suối cũng gầy vơi. Mùa mưa, sông suối dâng ngập bất thường, lũ ống lũ quét đổ về lúc nào chẳng hay. Đường tuần tra xuyên rừng có lúc sương mù dày đặc, cách vài mét đã không thấy mặt nhau, áo lính ướt đầm.

Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La thăm hỏi và khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La thăm hỏi và khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

Gian nan kể mấy cũng không hết, nhiều lần đi kiểm tra cột mốc ở xa, mắc võng ngủ rừng, muỗi vắt nhiều vô kể. Đồn phó- đại úy Đỗ Minh Thái cho biết hiện nay đồn có 2 trạm ở xa. Khó khăn nhất là trạm Nậm Tấu, cách xa đồn 26km nằm ở độ cao 1.600m do trung úy Lò Văn Sáng, người dân tộc Thái chỉ huy. Với các anh, đồn trạm là nhà, biên giới là quê hương. Ngày ngày, đêm đêm, dấu chân người lính vẫn hằn in trên các nẻo đường biên cương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc.

Không thể không nói đến cuộc chiến chống nạn ma túy ở nơi đây. Nói một cách hình ảnh, Sơn La hiện nay là con đường tơ lụa của bọn buôn lậu vận chuyển ma túy vào nước ta. Cuộc chiến đấu với nó hết sức nguy hiểm phức tạp bởi đối tượng buôn lậu vận chuyển “cái chết trắng” ngày càng xảo quyệt tinh ranh và quyết liệt dữ dằn hơn. Dùng tiền mua chuộc, hối lộ cán bộ chiến sĩ biên phòng không thành, chúng sẵn sàng dùng vũ khí nóng tấn công để tẩu thoát. Lù Công Thắng, người lính biên phòng Sơn La đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống bọn buôn lậu vận chuyển ma túy. Tháng 3-2012, tại xã Púng Bánh các chiến sĩ đồn Nậm Lạnh đã phối hợp với ban chuyên án tỉnh bắt giữ tội phạm buôn lậu ma túy Lường Văn Phanh thu giữ 2,5kg thuốc phiện.

Thực ra, tôi chưa hình dung được đầy đủ nét mặt của những người lính biên phòng này khi đấu tranh với bọn buôn lậu ma túy, còn trong trạng thái yên bình này tôi thấy họ hiền lắm. Chiều chiều thanh niên trong bản thường hay ra vui chơi thể thao với cán bộ chiến sĩ đồn và trong những vui buồn của nhân dân biên giới luôn có hình bóng của những người lính mang quân hàm màu lá cây.

Tôi nhớ lại lời Chỉ huy trưởng Bộ đôi Biên phòng Sơn La, đại tá Trần Đức Uẩn, nói với các nhà văn hôm nào: “Dân còn tin yêu Đảng, Nhà nước, tin yêu bộ đội biên phòng, yêu biên giới thì biên giới còn được bảo vệ vững chắc”. Để có được niềm tin yêu ấy, những người lính biên phòng ngoài thực hiện nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc phải là người anh em, người bạn, người thầy giáo, người thầy thuốc gần gũi, tận tình, vô tư của dân. Biên giới sẽ vững chãi khi nó trở thành biên giới lòng dân.

Xa Nậm Lạnh, xa Sốp Cộp, trong tôi vẫn đậm nét hình ảnh những người lính mang quân hàm màu lá cây. Đó là một phần của Tây Bắc yêu dấu cộng hưởng vào những đặc sắc phong phú của văn hóa vùng đất phên giậu này. Một vùng đất mà khi ta nghe ai đó cất lên câu hát Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung… đều bâng lâng xao xuyến thầm mong được đến một lần, nhiều lần với xứ sở của bản Tình ca Tây Bắc da diết bay bổng muôn vàn… 

NGUYỄN HỮU QUÝ

Tin cùng chuyên mục