Những quyết sách mới cho phụ nữ

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII bế mạc ngày 11-3, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với nhiều quyết sách mới cho công tác phụ nữ trong nhiệm kỳ 2022-2027. Các quyết sách này xuất phát từ đòi hỏi thực tế của phong trào phụ nữ trong tình hình mới, và đặc biệt, được gắn liền với quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng phát triển của đất nước, được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trước hết, nghị quyết đại hội lần này đã xác định quan điểm phát triển phong trào phụ nữ sẽ theo hướng tập trung mạnh mẽ hơn, đòi hỏi tính chủ động cao hơn trong việc tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, công tác phụ nữ cũng yêu cầu các cấp hội phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cũng được đặt ra với những đòi hỏi gắt gao hơn bao giờ hết, gắn liền với việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, giỏi vận động phụ nữ và có khát vọng cống hiến. 

Từ quan điểm đó, hàng loạt các chính sách, đề án mới dành cho phụ nữ đã được đưa vào nghị quyết đại hội, để Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng, triển khai trong thời gian tới. Điểm đặc biệt của các chính sách này là, sẽ tập trung hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ đặc thù, thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, như: những người mắc một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ, phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Ngay sau đại hội, sẽ có hàng loạt mô hình, hoạt động mới lần đầu tiên được triển khai thí điểm, cũng hướng tới nhóm phụ nữ đặc thù, đó là: thành lập văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư trở về; trung tâm một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Đây sẽ là những điểm nhấn trong công tác phụ nữ nhiệm kỳ mới, thể hiện rõ vai trò của hội trong các vấn đề thiết thân của phụ nữ.

Một số điểm mới đáng chú ý nữa được đưa vào nghị quyết đại hội là, đề án chuyển đổi số Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2025-2030 được đề xuất, với kỳ vọng sẽ giúp công tác phụ nữ “bắt nhịp” được với thời cuộc. Cùng với đề án này, sẽ có một chương trình lớn được triển khai nhằm hỗ trợ cho 1 triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

Bên cạnh đó là việc có thêm các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng phát hành thẻ hội viên thông minh, lập giải thưởng Nguyễn Thị Định dành cho cán bộ hội xuất sắc… Những điểm mới này cho thấy Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã rất trăn trở, tâm huyết và thực sự mong muốn phong trào phụ nữ trong thời gian tới phải có sự thay đổi. Xã hội đang có rất nhiều biến chuyển, tác động không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của chị em phụ nữ. Nếu không nắm bắt, chuyển đổi kịp thời, các cấp hội phụ nữ sẽ tự mình đánh mất vai trò.

Trong phát biểu nhận nhiệm vụ trước đại hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Hà Thị Nga đã chia sẻ về áp lực trách nhiệm trước phong trào phụ nữ trong bối cảnh quốc gia, dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với trách nhiệm đó, bà Hà Thị Nga cam kết sẽ xây dựng một tập thể đổi mới, sáng tạo, để cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trọng trách mà đại hội đã tin tưởng giao phó.

Các ý kiến tham luận, chia sẻ trước, trong và sau đại hội của đại biểu phụ nữ mọi miền đất nước cũng đã bày tỏ mong muốn nghị quyết đại hội sớm được triển khai, đi vào cuộc sống. Những quyết sách mới sẽ tác động tích cực tới không chỉ với 19 triệu hội viên của Hội LHPN Việt Nam mà còn cả hàng chục triệu phụ nữ và trẻ em trên cả nước. Hy vọng những kết quả của đại hội lần này sẽ mang lại một luồng sinh khí mới cho công tác hội và phong trào phụ nữ thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục