Những sáng kiến vì môi trường

Là Quản đốc Nhà máy ABS - Bình Dương (thuộc Công ty cổ phần TICO, Tổng Công ty Liksin), tuy làm nhiệm vụ quản lý, điều hành sản xuất, song kỹ sư Dương Minh Cường vẫn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học vào lĩnh vực xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, với nhiều công trình làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hàng tỷ đồng mỗi năm…
Những sáng kiến vì môi trường

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015

Là Quản đốc Nhà máy ABS - Bình Dương (thuộc Công ty cổ phần TICO, Tổng Công ty Liksin), tuy làm nhiệm vụ quản lý, điều hành sản xuất, song kỹ sư Dương Minh Cường vẫn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học vào lĩnh vực xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, với nhiều công trình làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hàng tỷ đồng mỗi năm…

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Cường đưa ra một loạt những khó khăn khi giải quyết các vấn đề về nước thải, chất thải nguy hại ở một doanh nghiệp hóa chất như Nhà máy ABS - Bình Dương. Về nước thải, như anh nói, dù được trang bị hệ thống xử lý hiện đại, nhưng khi chạy hết công suất, lượng dung dịch độc hại phát sinh ra đến 700kg/giờ, nếu đưa về hệ thống xử lý chung của nhà máy sẽ quá tải và tăng chi phí. Khó khăn này đã được anh nghiên cứu và ứng dụng thành công từ năm 2011, bằng phương pháp cô đặc thành dung dịch natri sulphate và tạo thành sản phẩm rắn sử dụng trong sản xuất chất tẩy rửa. Kết quả, về mặt môi trường đã giảm tối đa lượng SO4 thải ra môi trường và lượng nước thải phải xử lý. Về giá trị, mỗi ca sản xuất thu về được hàng trăm kilôgam natri sulphate và chất tẩy rửa; tính cho cả năm, lượng hóa chất thu về được có giá trị lên đến hơn 620 triệu đồng.

Kỹ sư Dương Minh Cường (phải) trao đổi công việc với cán bộ kỹ thuật tại nhà máy.

Cũng trong lĩnh vực xử lý môi trường, những năm qua kỹ sư Cường còn có nhiều công trình được ứng dụng mang lại giá trị cao. Trong đó, phải kể đến 2 công trình thiết kế hệ thống hấp thụ oleum thu hồi thành acid sulphuric sử dụng cho hệ thống xử lý nước thải và nâng cấp hệ thống thu hồi nhiệt, hệ thống sấy muối sản xuất sulphate lỏng và rắn. Hiệu quả của 2 công trình trên không chỉ giảm chi phí xử lý chất thải rắn, mà mỗi năm thu về cho DN gần 1 tỷ đồng từ việc thu gom, tái chế chất thải nguy hại.

Là lãnh đạo nhà máy, anh Cường còn dành nhiều thời gian cho công tác quản trị doanh nghiệp, đưa các tiến bộ trong quản lý vào điều hành sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối và áp dụng tiêu chuẩn ISO vào tất cả các công đoạn, bộ phận trong nhà máy. Kết quả là nhiều năm qua, sản xuất tại nhà máy luôn vượt công suất thiết kế với sản lượng mỗi năm tăng từ 16% đến 19%; tiền lương, thu nhập của người lao động tăng 60%. Hiện nhà máy có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề do anh đào tạo đủ đáp ứng với yêu cầu thiết kế, chế tạo và bảo trì toàn bộ hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất với năng suất cao nhất so với trước kia.

Từ năm 2011 đến nay, kỹ sư Dương Minh Cường đã vinh dự được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có danh hiệu 5 năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục