
Trái với nhiều dự báo xuất khẩu trong năm 2005 sẽ gặp khó khăn, những gì đang diễn ra ngay trong những ngày đầu năm giúp chúng ta hy vọng hàng hóa Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường thế giới.
- Tăng trưởng mạnh ngay tháng đầu năm
Ngay trong tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu hàng hóa của cả nước tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng cao, đạt kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vài năm gần đây. Trong đó, các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao là dầu thô (412 triệu USD), dệt may (267 triệu USD), giày dép (224 triệu USD), hải sản (126 triệu USD), đồ gỗ (71 triệu USD), các hợp đồng xuất khẩu gạo tăng cả số lượng lẫn giá bán, giao từ nay đến hết tháng 4 đạt 700.000 tấn, riêng thị trường Philippines là 320.000 tấn… Ngay trong những ngày Tết Ất Dậu, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng máy, bố trí tổ chức sản xuất và ăn Tết bên máy để kịp giao hàng.

Dây chuyền sản xuất giày thời trang nữ xuất khẩu ở Công ty Quế Bằng (quận 11, TPHCM).
Ảnh: THÀNH TÂM
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của cả nước tiếp tục tăng là nhờ các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị hợp đồng xuất khẩu, tập kết nguyên vật liệu ngay từ cuối năm ngoái, triển khai sản xuất và xuất khẩu ngay từ những ngày đầu năm.
Ví dụ như mặt hàng dệt may, tuy có gặp một số khó khăn trong việc phân bổ hạn ngạch (quota) và thủ tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng được lượng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là kết quả của sự chuẩn bị khá kỹ của các doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn mới.
Trước đó, hàng loạt các cuộc hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những khó khăn thách thức khi Việt Nam bước vào năm 2005, trong đó phải cạnh tranh quyết liệt với các nhà cung cấp hàng hóa của Trung Quốc, vốn đã có nhiều tiềm lực như chủ động được nguyên liệu, hóa chất, chế tạo thiết bị… Các cuộc hội thảo giới thiệu công nghệ thiết bị mới, nhà cung cấp nguyên liệu và các loại hóa chất thuốc nhuộm; hình thành chuỗi liên kết để cùng khai thác các đơn hàng lớn… đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị sản xuất các mặt hàng mới có giá trị cao như bộ veston, quần áo jeans, chuyển hướng sang thị trường phi quota như EU, Nhật Bản… Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp như May Việt Tiến, May Nhà Bè, May Phương Đông, Dệt Phong Phú, Dệt Hà Nội… đã có hợp đồng sản xuất đến giữa năm 2005.
Đáng lưu ý, xuất khẩu ngành da giày cũng đang đuổi bắt, theo sát kim ngạch ngành dệt may, nổi bật là các doanh nghiệp tư nhân và 100% vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã kịp thời đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, tăng cường tốt công tác quản lý nên đã giành được các đơn hàng lớn xuất qua châu Âu và Mỹ như Giày Thái Bình, Giày Đỉnh Vàng… Đặc biệt, Công ty Giày Đỉnh Vàng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đến nay đã thu hút hơn chục ngàn lao động, mở mang nhà xưởng khang trang tạo dấu ấn của một thành phố giày tại khu vực Hải Phòng.
- Để giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định
Chỉ riêng thị trường châu Âu, Bộ Thương mại nhận định trong năm nay có khả năng tăng tới 21% (6,4 tỷ USD) so với năm 2004. Xuất khẩu qua thị trường này chủ yếu là nhóm hàng giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê… Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chuyển hướng đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp để tránh những hàng rào kỹ thuật ngăn cản từ các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ. Còn quá sớm để có những nhận định lạc quan về tình hình xuất khẩu hàng hóa trong cả năm 2005, tuy nhiên, những tín hiệu thuận lợi đầu năm cho thấy nếu có sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ chế chính sách hỗ trợ ổn định từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thì việc đạt kế hoạch xuất khẩu năm nay không quá khó khăn.
Trước hết, từ ngày 1-2, Bộ Thương mại quyết định có 12 cat hàng dệt may xuất sang Mỹ được cấp visa tự động. Điều này đã được các doanh nghiệp dệt may đánh giá cao, kịp thời giải tỏa một số thủ tục quá chậm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động ký kết hợp đồng và tập trung sản xuất ngay trong những tháng đầu năm. Dự báo trong những tháng tới, kim ngạch hàng dệt may cũng sẽ tăng cao do lượng hàng hóa vật tư nguyên liệu như bông xơ, sợi, vải nguyên liệu nhập khẩu về trong tháng 1-2005 tăng rất cao, từ 32% đến 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản có nguồn gốc nguyên liệu trong nước như chế biến gỗ, cao su, cà phê, gạo… đã có hợp đồng xuất khẩu lớn, có những mặt hàng như cao su đã ký hợp đồng xuất khẩu cả năm. Đáng mừng, hầu hết các mặt hàng nông sản tiếp tục được giá và dự báo giá sẽ còn giữ cao trong nhiều tháng tới do thế giới bị mất mùa.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn lo ngại nếu Việt Nam không gia nhập được vào WTO thì sang năm tới sẽ khó khăn. Nguyên nhân vì phần lớn các sản phẩm hàng hóa công nghiệp xuất khẩu đều phải nhập khẩu nguyên liệu, nên phụ thuộc rất lớn vào giá cả thế giới, tốn nhiều thời gian và chi phí vận chuyển, không chủ động được thời gian sản xuất. Do đó, việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ là cần thiết để ngành dệt may, da giày, cơ khí và lắp ráp xe máy-xe ô tô… có điều kiện phát triển ổn định và giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các chính sách phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia để giúp ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
VĂN MINH HOA