Niềm vui nông thôn mới!

Ngay từ khi thành lập năm 1930, trong cương lĩnh của mình, Đảng ta đã xác định nông dân là lực lượng cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng càng nhận rõ hơn vai trò của lực lượng cơ bản này.

Trong đường lối và các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nông dân là lực lượng nòng cốt và phát triển nông thôn từng bước từ lạc hậu trở thành nền nông nghiệp tiên tiến. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương tập trung sức phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp, nhanh chóng đưa nông nghiệp tiến lên chính quy hiện đại…

Sau hơn 20 năm xây dựng kinh tế xã hội của thời kỳ đổi mới, nhận thấy mặc dù nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, nhưng nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có sự giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất…, nên tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X, ngày 5-8-2008, Đảng ta đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, mục tiêu tổng quát là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch…

Theo phương hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương Đảng, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị số 43/CTr/TU về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và UBND TPHCM đã triển khai kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM. Đến nay, TPHCM đã có 5 xã thực hiện thí điểm thành công mô hình nông thôn mới cấp thành phố và 1 xã xây dựng nông thôn mới cấp quốc gia.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí nông thôn mới gồm 19 tiêu chí: quy hoạch, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị, an ninh - trật tự xã hội.
 
Tuy nhiên, nếu xét theo những thông số cụ thể của các tiêu chí sẽ có những điều đáng suy nghĩ. Chẳng hạn về chỉ tiêu thu nhập, chỉ tiêu quốc gia quy định thu nhập của vùng nông thôn mới cao gấp 1,4 lần bình quân chung của toàn tỉnh, thành. Nhưng ở TPHCM, con số bình quân này giữa các tầng lớp dân cư sẽ chênh lệch rất cao: ở xã Tân Nhật của huyện Bình Chánh (xã thí điểm nông thôn mới) thu nhập 24,9 triệu đồng/người/năm 2012, tức khoảng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Mức này so với mức thu nhập bình quân chung của người dân TPHCM - nhất là người dân ở nội thành - thì còn rất thấp. Như vậy, ngay tại xã điểm của nông thôn mới ấy, người dân cũng chưa thể vui hơn những nơi khác.
 
Vấn đề là làm thế nào để người dân ở mọi vùng của một tỉnh thành – tiến tới mọi vùng, mọi miền của cả nước - cùng được nâng cao thu nhập, được cải thiện môi trường, điều kiện sống và làm việc, được hưởng trọn niềm vui chung của đất nước. Đó là một trong những mục tiêu lớn nhất mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực phấn đấu để có thể đạt được trong thời gian tới. Muốn vậy cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi; chuyển dịch từ sản xuất tự tiêu sang sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thực hiện tốt chương trình nhà ở cho nông dân…

 
PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục