Nỗ lực nhiều, dân vẫn còn bức xúc

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở

Tình trạng quy hoạch còn tràn lan, kéo dài; hàng trăm ngàn trường hợp nhà, đất ở của dân chưa được cấp giấy chứng nhận do còn vướng mắc về thủ tục, chủ đầu tư chây ì… là những vấn đề được các đại biểu HĐND TPHCM nêu ra tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức ngày 8-9 về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

Còn nhiều trường hợp chưa được cấp giấy

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (1-7-2014) TPHCM đã tiếp tục giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 113.867 trường hợp, đa số là những hồ sơ tồn đọng lâu năm do luật mới có nhiều điểm thông thoáng hơn trước. Tính đến nay toàn TP đã cấp được 1.480.643 giấy chứng nhận. Tuy nhiên, theo thống kê của 24 quận, huyện đến nay còn hơn 109.000 hồ sơ tồn đọng chưa được cấp giấy. Trong đó, 88.665 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy theo quy định của pháp luật như chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2014 (37.466 trường hợp); lấn chiếm chuyển mục đích xây dựng trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch (17.543 trường hợp); các vướng mắc còn lại như nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền, đang tranh chấp… Ngoài ra còn có hơn 20.000 trường hợp đủ điều kiện cấp nhưng người dân không có nhu cầu nên không đăng ký.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trước Luật Đất đai 2013, bình quân mỗi tháng các quận - huyện cấp 9.000 giấy chứng nhận, Sở TN-MT TP cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trên 54.000 giấy. Nhưng sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì việc cấp giấy dồn về sở nhiều hơn theo quy định.

Để giải quyết những tồn đọng nói trên, Sở TN-MT TP đề xuất một loạt các biện pháp để giải quyết nhu cầu cấp giấy cho người dân. Theo đó, mặc dù Luật Đất đai 2003 đã quy định không công nhận và giải quyết cấp giấy chứng nhận đối với việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 nhưng do nhu cầu bức thiết về chỗ ở của người dân và do một phần thiếu sót trong công tác quản lý của cơ quan chức năng nên Sở TN-MT TP đã kiến nghị và được Bộ TN-MT đưa vào dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung mở rộng đối với những trường hợp mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay đến trước ngày 1-1-2008 được cấp giấy chứng nhận. Đối với các khu vực quy hoạch, sở kiến nghị UBND TP giao Sở QH-KT TP rà soát lại những khu vực quy hoạch lâu nhưng chậm triển khai để điều chỉnh, xem xét các công trình đã xây dựng không phép, sai phép có đủ điều kiện tồn tại để xem xét cấp giấy chứng nhận…

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đại biểu Trương Lâm Danh dẫn chứng một loạt trường hợp người dân mua nhà tại các dự án đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Cụ thể như hơn 30 trường hợp hộ dân tại khu phố 4, phường Tân Thới Nhất (quận 12) mua nhà do Công ty CP TMDL Bình Dương làm chủ đầu tư; hàng chục hộ tại phường Bình Trưng Đông (quận 2) do Công ty CP Hoàng Quân làm chủ đầu tư; các hộ dự án dân cư Phú Lâm C do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư…

Nhiều đại biểu khác còn nêu bức xúc của người dân, cho biết một số quy hoạch treo quá lâu làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, tình trạng xây dựng không phép, lấn chiếm kênh rạch vẫn còn phổ biến… nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý chưa rõ. Đại biểu Phạm Quốc Bảo đề nghị xác định lại ranh giới đất rừng phòng hộ Cần Giờ giữa người dân quản lý và Ban quản lý rừng quản lý bị chồng lấn để cấp giấy chứng nhận cho dân…

Trả lời những vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết phải rà soát từng trường hợp dự án cụ thể, có thể người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư lại chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước như còn nợ tiền sử dụng đất, hạ tầng chưa hoàn thiện hay xây dựng không đúng phép… nên việc cấp giấy cho người dân chưa thực hiện được. Việc quy hoạch treo, thời gian qua TP cũng đã rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án của hơn 500 dự án với quy mô hơn 6.000ha và trong số này đã cấp 25.000 giấy chứng nhận cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở QH-KT TP, cho biết thêm đến nay các quận, huyện đã rà soát được 60% các khu vực bị quy hoạch, rà soát rất chi tiết từng công viên, con đường… Sắp tới, sau khi có đầy đủ dữ liệu sẽ tổng hợp xem xét nếu cái nào không khả thi thì phải bỏ.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn thừa nhận, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn còn tồn tại trên địa bàn TPHCM trong đó có trách nhiệm của sở. Hiện toàn TP có hơn 20.000 trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Tuy nhiên, trong số này có những trường hợp tồn tại từ trước nên cần xem xét một cách khách quan, có thể không cấp giấy cho họ nhưng cho tồn tại. Về quyền lợi của người dân trong dự án bị quy hoạch, để đảm bảo quyền lợi cho người dân thời gian qua các cơ quan chức năng đã cấp 6.799 giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân và các quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân cũng được các đại biểu phản ánh, như những bất cập về quy định tách thửa theo Quyết định 33 của UBND TP; cấp giấy chứng nhận tại các cơ sở tôn giáo; giấy chứng nhận cho nhà đất mua trước năm 1975…

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao những nỗ lực của Sở TN-MT TP cũng như các sở ngành khác liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay công tác cấp giấy vẫn còn nhiều tồn đọng, còn hơn 109.000 hồ sơ chưa được cấp là con số khá lớn. Con số hơn 37.000 trường hợp mua bán giấy tay sau 1-7-2004 đến ngày 1-1-2008 là khá lớn, các sở ngành phải tiếp tục rà soát các trường hợp này nếu đảm bảo điều kiện thì cấp giấy cho người dân, nếu không thì TP tiếp tục kiến nghị Trung ương để có giải pháp.

Về việc hơn 20.000 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy nhưng người dân không có nhu cầu nên “treo” đó, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, cần phải khảo sát thêm những trường hợp này, có thật là họ không có nhu cầu không. Có khi người dân không đủ điều kiện về tài chính hay thủ tục còn nhiêu khê hoặc chúng ta tuyên truyền chưa tốt nên bà con ngán ngại không đi làm. Bởi nhà, đất là tài sản lớn của một đời người, người dân không thể không quan tâm được.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP còn đề nghị các quận, huyện cần phối hợp tốt hơn với các sở để đẩy nhanh công tác cấp giấy cho người dân; ứng dụng công nghê thông tin tốt hơn nữa để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về quy hoạch, về thủ tục cấp giấy… để Nhà nước và nhân dân phối hợp tốt hợn nữa trong việc cấp giấy cho người dân.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục