Nỗ lực phát triển hạ tầng

Theo Quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Long An định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với TPHCM, vùng Đông Nam bộ và Campuchia, đồng thời là đầu mối xuất khẩu nông thủy sản của vùng ĐBSCL.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, thời gian qua, Long An chú trọng phát triển hạ tầng thương mại; nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng liên hoàn (các trung tâm logistics có khả năng liên kết kho, vận tải đường bộ, đường thủy)...

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An

Tập trung phát triển thương mại

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết, thực hiện Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, thời gian qua, tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, quy hoạch phát triển thương mại cả nước. Theo đó, Long An khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế - xã hội, kinh tế nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có 125 chợ (2 chợ loại 1, 14 chợ loại 2, 109 chợ loại 3; 18 chợ truyền thống do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và khai thác), trong đó có 107 chợ ở nông thôn. Hầu hết, các chợ đã hình thành từ lâu, hoạt động ổn định, góp phần tích cực phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương; là kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản quan trọng của địa phương. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố có bổ sung kinh phí để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới chợ truyền thống, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại.

Hiện nay, hạ tầng chợ còn một số hạn chế do nhiều chợ đã hình thành từ lâu đời, chưa được nâng cấp, cải tạo, nhưng nhìn chung, hạ tầng thương mại được hình thành và phát triển nhanh, các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn của TPHCM đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện bình ổn thị trường tại các xã nông thôn. Song song đó, còn có sự phát triển của hạ tầng thương mại hiện đại, kinh doanh tổng hợp với 7 siêu thị (4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 3 siêu thị điện máy), 1 Trung tâm thương mại Vincom Plaza, 279 cửa hàng tiện lợi (Bách hóa Xanh, Điện máy xanh, Winmart+, Co.op Food, Con Cưng…), 475 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Hiện Long An đã mời gọi Công ty TNHH Aeon Việt Nam đầu tư dự án Trung tâm mua sắm Aeon Tân An trên diện tích gần 22.000m2 . Dự án sẽ nằm trong Khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6, TP Tân An.

Thời gian tới, để phát triển hạ tầng thương mại, nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ, nâng cao văn minh thương mại, tỉnh Long An sẽ rà soát thực trạng phát triển chợ, đánh giá hiệu quả hoạt động của chợ để đề xuất đầu tư phù hợp, nhất là các địa phương tập trung nhiều lao động, điểm bán hàng tự phát. Qua đó, đề xuất vị trí thu hút đầu tư phát triển các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng logistics

Để nâng cao vai trò đầu mối giao thương hàng hóa và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương và liên vùng, tỉnh Long An đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, mang lại giá trị gia tăng cao. Gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại là một trong những mục đích mà Long An hướng tới dựa trên kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục đích của tỉnh là thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn một cách đồng bộ, hợp lý với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội địa phương. Từng bước phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách; đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh. Ngoài ra, việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nhằm hình thành các doanh nghiệp logistics đầu tàu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với định hướng phát triển như trên, tỉnh Long An đã lập danh mục ưu tiên thu hút đầu tư và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2050. Theo đó, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành 10 trung tâm logistics, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Trong đó tập trung xây dựng cảng quốc tế Long An tại huyện Cần Giuộc. Khi cảng này đi vào hoạt động, kết hợp với các công trình phụ trợ sẽ góp phần hình thành quần thể cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai. Hiện tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi chất lượng cao để bổ trợ hoạt động giao thương đến và đi từ cảng quốc tế Long An.

Hiện Long An có 37 khu công nghiệp, 62 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích hơn 15.000ha. Trong số đó, có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 80% và 22 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Trong 1.079 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, có 796 dự án nằm trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Hiện tỷ lệ lấp đầy các khu - cụm công nghiệp chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Long An.

Tin cùng chuyên mục