Nỗ lực thu hút, giữ chân giảng viên

Thời gian gần đây, hàng loạt cơ sở giáo dục đại học (ĐH) liên tục đưa ra những kế hoạch tuyển dụng nhằm thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS), phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS). Nhiều trường đưa ra mức thưởng từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng cho một ứng viên có học vị GS về giảng dạy, tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, bên cạnh tiền, cần có những cơ chế, chính sách, môi trường làm việc để họ cống hiến, phát huy hết năng lực.

Giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM
Giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM

Thưởng hàng trăm triệu đồng

Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM là trường có mức thưởng nhiều nhất khi thưởng ứng viên có chức danh PGS có độ tuổi dưới 50 là 300 triệu đồng, từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Ngoài ra, TS tốt nghiệp ở nước ngoài về trường làm việc sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng, TS tốt nghiệp trong nước được hỗ trợ 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi). Trong đợt tuyển dụng này, nhà trường cần tuyển 43 ứng viên theo hình thức xét tuyển, trong đó 35 chỉ tiêu tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Cuối tháng 2-2024, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM công bố “Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG TPHCM - Chương trình VNU350” nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐH này trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á. Các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐHQG TPHCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.

Theo đó, đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc: trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng); năm thứ ba sẽ được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học (kinh phí tối đa 10 tỷ đồng); năm thứ năm sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS cấp Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học đầu ngành: trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B; những năm tiếp theo sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học (kinh phí tối đa 30 tỷ đồng) và được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Cuối năm 2023, ĐHQG Hà Nội cũng đưa ra chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc. Đối tượng thu hút gồm các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài), có mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) mà ĐHQG Hà Nội định hướng nghiên cứu ưu tiên. Nhà khoa học sẽ được đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN từ 3 tỷ đồng trong 3 năm...

Tiền chưa phải là điều kiện đủ

Một lãnh đạo ĐHQG Hà Nội chia sẻ, mục tiêu của chính sách nói trên là thu hút nhà khoa học để làm việc chứ không phải để có biên chế. Với hình thức hợp đồng thuê khoán chuyên môn, ĐHQG Hà Nội có thể giảm bớt thủ tục hành chính với các nhà khoa học giỏi đã lớn tuổi, nhà khoa học người nước ngoài (trường hợp này muốn ký hợp đồng lao động phải có giấy phép lao động)…

Việc thu hút nhà khoa học xuất sắc là để có những nhà khoa học “đủ sức” chủ trì các nhiệm vụ KH-CN, góp phần tạo điều kiện phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, chứ không phải hợp tác chỉ để có sản phẩm (công bố quốc tế). Đây là chính sách thu hút để đầu tư bài bản lâu dài. Vì thế, tùy từng trường hợp, ĐHQG Hà Nội sẽ có cơ chế phù hợp, đầu tư hiệu quả, không chạy theo hình thức.

Theo TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhà trường trả lương cho TS (người mới) theo quy định của nhà nước. Cụ thể, TS có khởi điểm hệ số lương 3.0, cộng thêm hỗ trợ 7 triệu đồng/tháng nếu có bài báo khoa học, nhận thu nhập tăng thêm khoảng 13 triệu đồng/tháng. Như vậy, một TS mới ra trường có thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng. Đối với TS thuộc diện thu hút (trường mời về) sẽ nhận mức thưởng 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, để thu hút, giữ chân các giảng viên, nhà khoa học thì cần phải có nhiều chính sách chứ không đơn giản chỉ có tiền. Trước khi đồng ý về trường, họ sẽ tìm hiểu trường có định hướng như thế nào, điều kiện làm việc ra sao... để tạo điều kiện cho họ phát huy hết năng lực của mình.

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐHQG TPHCM), cho biết, trước đây tỉnh An Giang có đề án đào tạo nhân lực trình độ cao bằng việc tài trợ kinh phí cho đi học, nhưng chỉ có một người tham gia và học xong cũng không quay về. Có thể nói, bài toán nhân lực trình độ cao ở các địa phương và các trường ĐH địa phương đang rất khó có lời giải. Việc nhà trường thưởng 60 triệu đồng cho một giảng viên có trình độ TS là hợp lý vì chi phí đào tạo một TS cũng ở mức đó. Nhưng để thu hút được họ về trường công tác thì chắc chắn nhà trường phải cam kết nhiều điều kiện kèm theo, chứ tiền thưởng chưa phải là tất cả.

PGS-TS NGUYỄN THANH BÌNH, Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học (Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM): Chấp nhận thu nhập thấp nhưng cần môi trường làm việc tốt

Tôi tốt nghiệp ĐH năm 2008, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ năm 2010 và tiến sĩ năm 2013 tại Pháp. Sau thời gian du học, tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc nhưng bốn năm đầu gặp khá nhiều khó khăn, như lương thấp, xin kinh phí cấp tài trợ cho nghiên cứu rất khó, mối quan hệ chưa nhiều… Nhưng rồi một thời gian sau, tôi thấy môi trường làm việc tốt hơn, nhiều nhà giáo/nhà khoa học giỏi, sinh viên có sự chịu khó học hỏi, được hỗ trợ chính sách nghiên cứu, được động viên, ủng hộ từ thầy cô…

Dần dần, tôi đã có những thành tích trong công tác, như công bố hơn 50 bài báo khoa học, giải thưởng Quả cầu vàng của Bộ KH-CN năm 2021, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, giải thưởng Thanh niên tiêu biểu… Tôi còn nhớ, sau 5, 6 năm về Việt Nam làm việc, một số bạn bè nhắn hỏi: “Bình ơi, cần trợ giúp gì không?”, tôi trả lời “Mình vẫn sống sót đó”. Nói vui như thế để thấy rằng chắc chắn dù không thể so sánh với thu nhập ở nước ngoài, nhưng những thay đổi tích cực hơn về môi trường làm việc, chính sách thu nhập… đã hỗ trợ rất nhiều để nhà khoa học có điều kiện làm việc tốt hơn.

GS-TS VÕ VĂN TỚI, Nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM): Cơ hội cho các bạn trẻ cống hiến, thực hiện hoài bão

Chương trình VNU350 của ĐHQG TPHCM cũng như nhiều ĐH khác đang được đẩy mạnh để thu hút, giữ chân giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, góp phần tạo cơ hội cho các bạn trẻ cống hiến, thực hiện hoài bão của mình. Cách đây gần 15 năm, tôi quyết định từ Mỹ về Việt Nam để làm việc vì tiếng gọi của quê hương, khi ấy không có chính sách thưởng như hiện nay. Điều tôi thấy hài lòng nhất khi từ nước ngoài về Việt Nam làm việc là tình người, cùng sự ủng hộ hết mình và tin tưởng vô điều kiện của các lãnh đạo ĐHQG TPHCM ngay từ ban đầu, giúp tôi vượt qua những khó khăn về mọi mặt.

Nhờ đó, chỉ sau ba tháng, tôi đã thành lập bộ môn Kỹ thuật y sinh, trong khi ở Mỹ phải mất 18 năm. Từ một bộ môn chưa ai biết đến nhiều, đến nay đã có gần 10 trường ĐH của Việt Nam thành lập ngành/bộ môn này. Riêng khoa tôi làm việc đến nay có 28 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó nhiều giảng viên trẻ đạt nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.

TS THÁI DOÃN THANH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM: Cần đồng bộ các giải pháp

Đây là cuộc cạnh tranh để thu hút chất xám giữa các cơ sở đào tạo. Nhìn tổng thể thì đây là chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Mỗi cơ sở đào tạo đều có định hướng phát triển (theo hướng ứng dụng, theo hướng nghiên cứu) nên các chính sách đưa ra cũng mang nét riêng của từng đơn vị.

Tuy nhiên, tiền không phải là điều kiện tiên quyết duy nhất để thu hút giảng viên, nhà khoa học. Mặc dù tiền lương và các phúc lợi vật chất quan trọng, nhưng còn có những yếu tố khác cũng quan trọng, như: môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ để họ có môi trường làm việc thoải mái; có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để họ có cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp; có cơ chế đánh giá công bằng và khuyến khích nhằm tạo điều kiện để giảng viên được đánh giá công bằng dựa trên công việc, thành tích của họ; cung cấp nguồn lực, hỗ trợ cho việc thực hiện nghiên cứu và phát triển cá nhân trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng tránh tình trạng đẩy cao các mức thưởng nhằm tuyển cho đủ người rồi để họ tự “bơi”, không có điều kiện phát triển. Thực tế này đã diễn ra, nhiều nhà khoa học rời từ trường công sang trường tư nhưng chỉ sau một thời gian, họ nuối tiếc vì không có môi trường để phát triển.

Tin cùng chuyên mục