Nobel Hóa học vinh danh công trình nghiên cứu pin lithium-ion

Chiều 9-10, trong buổi lễ diễn ra tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Ủy ban Giải thưởng Nobel Thụy Điển đã công bố trao Giải thưởng Nobel Hóa học năm 2019 cho 3 nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật) về đóng góp của họ trong sự phát triển thành công của pin lithium-ion. Đây sẽ là một nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.
Từ trái qua là các nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật)
Từ trái qua là các nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật)

Pin lithium-ion là loại pin có trọng lượng nhẹ đầu tiên, góp phần vào việc phát triển các thiết bị điện tử cầm tay. Ủy ban trao giải viết: “Pin lithium-ion đã cách mạng hóa cuộc sống của chúng ta và được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay và xe điện. Thông qua công trình của họ, những người đoạt giải Nobel Hóa học năm nay đã đặt nền tảng của một xã hội không có nhiên liệu hóa thạch và không dây”.

Pin lithium-ion là loại pin được cấu tạo gồm các thành phần cơ bản là chất điện phân đóng vai trò như môi trường điện ly giữa hai cực âm và dương của pin. Ưu điểm lớn của pin lithium-ion là có thể sạc đi sạc lại nhiều lần, mật độ năng lượng lớn (kể cả trên kích thước pin nhỏ), giữ năng lượng lâu, thân thiện môi trường hơn so với các công nghệ cũ. Pin lithium-ion do nhà khoa học Stanley Whittingham bắt đầu nghiên cứu từ năm 1970, lần đầu được giới thiệu với công chúng vào năm 1991.

Nhà khoa học Goodenough (97 tuổi) là người cao tuổi nhất cho tới nay nhận giải thưởng Nobel, phá vỡ kỷ lục của nhà khoa học Arthur Ashkin nhận giải Nobel vật lý năm 2018 khi đó ông 96 tuổi. John Goodenough đã tìm ra cách tăng gấp đôi điện thế của pin lithium, tạo ra một loại pin mạnh và hữu dụng hơn rất nhiều. Akira Yoshino gặt hái thành công trong việc loại bỏ lithium tinh khiết khỏi pin và dựa hoàn toàn vào các ion lithium an toàn hơn so với lithium tinh khiết. Điều này làm cho pin dễ sử dụng hơn trong thực tế. 

Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 9 triệu kronor Thụy Điển (hơn 900.000 USD).

Tin cùng chuyên mục