
Noel đến gần. Các trận đánh vẫn tiếp tục. Song ở cả hai chiến tuyến, Pháp, Anh và Đức, người ta nghĩ nhiều đến gia đình, đến quà tặng cho con trẻ, đến những cuộc tụ họp hân hoan...

Từ chiến hào Pháp - Anh, chợt vang lên tiếng kèn núi, tấu bài hát Noel Stille Nacht (Nacht yên tĩnh). Nikolus Sprint liền hát theo bằng giọng nam cao của anh. Anh vừa hát vừa tiến ra "vùng đất không người" rải rác tử thi và vỏ đạn giữa hai phe đối địch.
Không phát đạn nào vang lên như nhiều người lo sợ. Không những thế, viên sỹ quan phụ trách quân Pháp rời khỏi chiến hào trước tiên. Rồi đến viên sỹ quan phụ trách quân Anh. Và viên sỹ quan chỉ huy quân Đức. Do dự giây lát, họ bắt tay nhau và trao đổi vài lời. Cuộc hưu chiến được loan báo.
Ba sỹ quan "cụng ly". Mấy phát súng cối được bắn lên trời, coi như pháo hoa. Binh lính từ các chiến hào rụt rè đi lên. Đương nhiên, không phải tất cả. Họ xiết tay, ôm hôn nhau, chúc nhau Noel vui vẻ. Họ mời nhau uống rượu, hút thuốc, uống bia, ăn sôcôla.
Họ đem khoe với nhau ảnh cha mẹ, vợ con hay người tình. Những cây thông Noel được mang đến. Rồi giữa bãi chiến trường lồng lộng ánh trăng, một linh mục người Scotland làm lễ cho mọi người. Nữ ca sĩ vợ lính Anna Sorensen hát bài Ave Maria bằng giọng nữ cao lanh lảnh của chị. Cả trận địa lặng đi... Tiếp theo, chiến binh các bên hoà vào nhau, chia thành hai đội, tiến hành một trận bóng đá tưng bừng...
Vì nguyên tắc, cuộc hưu chiến chấm dứt rạng sáng ngày 25/12. Thực tế, chiến trường im ắng suốt ngày. Thời gian ấy đủ để mỗi bên tham chiến chôn cất đường hoàng bạn chiến đấu đã tử trận.
Ngay hôm sau, các sỹ quan bị thuyên chuyển, các đơn vị đối địch đều bị điều đi nơi khác. Cuộc hưu chiến tưởng như nằm mơ tuy ngắn ngủi nhưng in đậm mãi trong tâm khảm những người đã trải…
Bên trên là tóm tắt truyện phim "Noel vui vẻ" của đạo diễn Pháp Christian Carinon, từng được khen ngợi nhiều ở Liên hoan phim Cannes 2005, và hiện chính thức ra mắt tại Cộng hoà Pháp từ 9/11, đang gây nên mối xúc động rộng rãi. Nó cũng đã được chọn làm đại diện cho Điện ảnh Pháp tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất 2006.
Chuyện Noel 1914 có thật ấy trong chiến tranh 1914 - 1918 chỉ được nhà sử học Pháp Yves Buffetaut ghi vắn tắt trong một tác phẩm của ông. Cách đây mười bốn năm, Christian Carion, bấy giờ là kỹ sư nông nghiệp, đọc được đoạn văn ấy và lập tức nghĩ đến việc phải làm một bộ phim về câu chuyện dường như khó tin này.
Christian Carion ước mơ làm điện ảnh từ khi 14 tuổi, tuy bố mẹ anh chuyên nghề nông với đặc sản rau riếp xoăn. Sinh năm 1963, anh được học nội trú và cuối những năm 1970, do được các thầy bố trí xem phim mỗi tháng một lần, anh từ thích các diễn viên như Grace Kelly đâm ra yêu nghệ thuật thứ bảy.
Học Đại học Nông nghiệp, rồi vào công tác ở Bộ nông nghiệp Pháp suốt mười lăm năm, song vẫn không từ bỏ tình yêu điện ảnh. Có dịp được nghỉ, anh đều tìm cách dàn dựng những bộ phim ngắn.
Việc làm những phim ấy khiến anh trải đời, trải người, với tâm niệm muốn làm điện ảnh, cần có một kiến thức uyên thâm cả bề rộng lẫn bề sâu; ở trường, người ta dạy ngữ pháp cho trẻ em, nhưng không dạy cuộc đời, việc này thực ra quan trọng hơn nhiều.
Điện ảnh có thể đảm nhiệm công việc không đơn giản ấy. Để thực hiện được "Noel vui vẻ", anh phải đạt được thành công ngoạn mục đầu tiên. Năm 2001, anh xin nghỉ việc ở Bộ Nông nghiệp, tập trung đạo diễn. Một cánh én đã làm nên mùa xuân, có thể coi là khúc dạo đầu cho Noel vui vẻ.
Một cánh én đã làm nên mùa xuân kể về sự kết thân, về tình huynh đệ giữa thành thị và nông thôn qua hai nhân vật chính là cô gái thành thị Mathilder Seigner và chàng nông dân cục mịch Michel Serrault. Thành công to lớn của phim này mở đường cho Noel vui vẻ.
Kinh phí cho Noel vui vẻ là 18 triệu euro, món tiền vượt xa tầm tay của một nhà sản xuất độc lập. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, một kiểu gọi vốn lạ lùng được áp dụng. Người Nhật, không trực tiếp tham gia Đại chiến I, đồng ý rót tiền đầu tiên cho bộ phim tương lai. 25 hãng sản xuất và kinh doanh lớn khác thuộc nhiều quốc gia đồng ý tài trợ hay hùn vốn cho Noel vui vẻ.
Đạo diễn Christian Carion chỉ còn việc lao tâm khổ tứ viết kịch bản cho thật hay. Kịch bản là khâu khó nhất trong tiến trình làm phim này. Anh cũng phải đích thân xem rất nhiều phim nước ngoài để qua đó, chọn những diễn viên ưng ý. Quá trình làm phim gặp rất nhiều rắc rối. Những rắc rối này đều được nhà sản xuất khôn khéo giải quyết ổn thỏa.
Để bày tỏ lòng cảm ơn với địa phương chính đã “hộ sinh” cho phim, đoàn làm phim cho trình chiếu một tuần Noel vui vẻ ở tổng Pas-de-Calais, một nơi xa xôi của CH Pháp, hồi tháng ba. Và nó lập tức được Cannes chú ý. Ngày 5/12 tới, nó sẽ ra mắt công chúng Jerusalem, một sự kiện văn hoá chính trị và xã hội đầy ý nghĩa.
Hiện nó đang đến với công chúng của trên hai mươi quốc gia từng dung dưỡng nó khi còn là bào thai. Do vậy, nó có được Oscar hay không chẳng phải vấn đề lớn. Vả chăng, nó đang xới lên nhiều vấn đề mới không chỉ cho điện ảnh. Ví dụ, giờ đây, nhờ một viên tướng già còn sống, người ta ngỡ ngàng biết rằng ngay trong Đại chiến I, những cuộc hưu chiến "chui" như trong Noel vui vẻ thực ra không hiếm, có cuộc thậm chí kéo dài mấy tháng trời.
(Theo Tiền Phong)