Nỗi buồn cựu giáo chức

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 11-2014 cơ quan này đã giải quyết chế độ trợ cấp theo quyết định cho 8.831 cựu giáo chức. Tuy nhiên, hiện còn hơn 1.600 người chưa được nhận chế độ này.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 11-2014 cơ quan này đã giải quyết chế độ trợ cấp theo quyết định cho 8.831 cựu giáo chức. Tuy nhiên, hiện còn hơn 1.600 người chưa được nhận chế độ này.

Nguyên do bởi theo Điều 2 của Quyết định 52 quy định: “Đối tượng áp dụng: Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước…”. Trong khi đó, do tỉnh Nghệ An có đặc thù riêng nên trong quá trình giải quyết chế độ này đã gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, năm 2002, UBND tỉnh này đánh giá số lượng giáo viên bắt đầu dôi dư. Vì thế tỉnh này phải giảm số giáo viên, trong đó có quy định nếu tuổi đời của giáo viên còn thiếu dưới 10 năm mới đủ tuổi nghỉ hưu thì cho nghỉ việc được hưởng từ 80% đến 100% lương nhưng không được hưởng một số loại phụ cấp. Vì thế rất nhiều giáo viên đã phải nghỉ việc để chờ hưu.

Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp giáo viên có thâm niên giảng dạy hàng chục năm, nhưng sau đó họ được điều đi làm công tác quản lý một vài năm thì về hưu. Mặt khác, trước đây tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương chuyển nhiều trường mầm non từ công lập sang bán công, vì thế nhiều giáo viên mặc dù vẫn thuộc biên chế do UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý nhưng vẫn giảng dạy tại trường bán công cho đến khi nghỉ hưu...

Chính những lý do trên, nên nếu chiếu theo Điều 2 của Quyết định 52 thì đã có hàng ngàn giáo viên không thuộc đối tượng được áp dụng.

NGND Lê Văn Phớt - Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh Nghệ An, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, tỉnh Nghệ An trăn trở: “Tôi cho rằng những cựu giáo chức chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Quyết định 52 kể ra cũng thiệt thòi. Những năm 2000, do một số nguyên nhân khách quan nên số học sinh giảm và giáo viên dôi dư. Vì thế tỉnh mới có quyết định cho một số giáo viên nghỉ dạy để chờ hưu. Đây là tình huống xã hội chứ không phải họ bỏ dạy hay bị kỷ luật nên giờ không được hưởng phụ cấp là không công bằng.

Ông Trần Văn Huyên - Giám đốc BHXH TP Vinh còn cho biết: Hiện thành phố Vinh cũng có gần 100 hồ sơ của cựu giáo chức chưa được giải quyết phụ cấp theo Quyết định 52. Một cựu giáo chức ở Sở GD-ĐT Nghệ An, chia sẻ: “Tôi cũng đã có hàng chục năm giảng dạy nhưng chưa được hưởng phụ cấp thâm niên vì trước khi về hưu, tôi làm công tác quản lý. Tôi nghĩ, chế độ phụ cấp thâm niên nên giải quyết theo hướng nhà giáo đứng lớp mấy năm thì được hưởng chế độ chừng ấy đó năm”. Đồng ý với các ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Quyết - Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh Nghệ An cho rằng: Việc chưa giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên cho các cựu giáo chức như tôi thấy không hợp lý. Họ trực tiếp giảng dạy bao nhiêu năm phải được hưởng bấy nhiêu, đã gọi trợ cấp thì phải công bằng.

Vào tháng 5-2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, đề nghị ghi nhận chế độ phụ cấp thâm niên cho những cựu giáo chức thuộc đối tượng trên. Tuy nhiên đã hơn nửa năm trôi qua, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hồi âm, trong khi các cựu giáo chức đang mong mỏi từng ngày.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục