Nơi gửi gắm niềm tin

LTS: Dự kiến ngày 15-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức trao tặng giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần 2 năm 2020. Báo SGGP xin giới thiệu những công trình được trao giải năm nay - là những công trình có giá trị ở các lĩnh vực, góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại TPHCM.

Nhằm lắng nghe và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, TPHCM có nhiều chương trình thiết thực để người dân hiến kế, góp ý cũng như phản ánh những bức xúc. Nhiều chương trình đã trở nên quen thuộc, được người dân tin tưởng tìm đến. Hiệu quả thiết thực từ các chương trình đã góp phần tạo sự đồng thuận, tập hợp được sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển TPHCM.

Nơi gửi gắm niềm tin ảnh 1 Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 12 là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp gặp gỡ trao đổi với người dân
Lắng nghe để giải quyết

Cứ 9 giờ sáng chủ nhật tuần đầu tiên mỗi tháng là ông Trần Văn Biệt (quận Thủ Đức) chăm chú xem chương trình “Lắng nghe và trao đổi” trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Ông Biệt có dãy nhà trọ với hàng chục công nhân thuê ở, tốt có, phức tạp cũng có. Bởi vậy mà ông coi “Lắng nghe và trao đổi” như một nơi cung cấp thông tin hữu ích về những vụ việc, tình huống cụ thể để khi nhà trọ xảy ra vấn đề tương tự, ông sẽ phân tích để mọi người hiểu. “Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều công nhân mất việc. Họ đua nhau rút bảo hiểm xã hội một lần, dù có người đóng bảo hiểm được 14 năm. Tôi thấy rất xót. Trong tháng 6-2020, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp - Quyền lợi người lao động”, tôi có thêm thông tin, dẫn chứng để thuyết phục họ không nên nhận bảo hiểm xã hội một lần. May mắn là nhiều công nhân hiểu ra”, ông Biệt cho hay.

Trường hợp ông Lê Đăng Linh (quận Thủ Đức) cũng là sự việc nổi bật được người dân quan tâm. Ông Linh đấu giá trúng căn hộ thi hành án ở quận 4. Để đủ tiền nhận nhà, ông Linh phải bán căn nhà đang ở tại quận Thủ Đức và vay thêm ngân hàng. Dù đóng đủ tiền nhưng 5 năm sau ông vẫn không nhận được nhà, vì người bị thi hành án không chịu giao nhà. Ông Linh phải ở trọ và khiếu kiện khắp nơi nhưng không được giải quyết. Nhận được đơn, HĐND TPHCM đã đưa vụ việc lên chương trình “Lắng nghe và trao đổi” để các cơ quan liên quan có trách nhiệm giải quyết. Sau khi chương trình phát sóng vào tháng 8-2019, Chi Cục Thi hành án dân sự quận 4 giải quyết và ông Linh đã được nhận nhà theo đúng quy định.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” phát sóng số đầu tiên từ năm 2011. Đây là sự tiếp nối chương trình “Nói và làm” do Thường trực HĐND TPHCM khóa VII phối hợp với HTV thực hiện mỗi tháng. Chương trình nhằm tạo kênh thông tin giúp tăng cường hoạt động đối thoại, chất vấn để hiểu thêm thực trạng và có giải pháp hiệu quả. “Lắng nghe và trao đổi” được truyền hình trực tiếp vào 9 giờ sáng chủ nhật tuần đầu tiên của tháng. Chương trình gồm phần “lắng nghe” nhằm đánh giá thực trạng, nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri. Phần “trao đổi” để thông tin, làm rõ những nội dung đã thực hiện, đề xuất các giải pháp.

Ra đời từ năm 2008, mô hình “Mỗi tuần 15 phút vì thành phố văn minh và sạch đẹp” của cán bộ và nhân dân phường Bến Thành được quận 1 chọn là mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhân rộng thực hiện ở 9 phường trên toàn quận. Mô hình là một giải pháp hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Đến nay, mô hình “Mỗi tuần 15 phút vì thành phố văn minh và sạch đẹp” đã lan tỏa toàn thành phố, là một trong những tiêu chí để xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. 

Đến nay, “Lắng nghe và trao đổi” đã có 107 kỳ phát sóng, góp phần tuyên truyền những quy định pháp luật mới ban hành giúp người dân nắm bắt và đồng thuận thực hiện. Những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc và phản ánh được UBND TPHCM, các sở ban ngành và quận huyện trực tiếp trả lời tại chương trình. Đặc biệt, HĐND TPHCM đeo bám giám sát việc thực hiện. Từ đó, ý thức phục vụ người dân của cán bộ, công chức ngày càng được chú trọng. “Từ việc giải quyết đạt kết quả những vấn đề người dân kiến nghị, chương trình ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân. Qua đó, mở ra diễn đàn dân chủ để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lắng nghe trực tiếp ý kiến, kiến nghị của người dân và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Ngày thứ sáu nghe dân nói

Đem bức xúc về doanh nghiệp Phạm Văn Hoàng, Phạm Văn Dương và Công ty Việt Phát hoạt động trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, người dân phường Đông Hưng Thuận (quận 12) phản ánh với lãnh đạo địa phương trong cuộc đối thoại “Ngày thứ sáu nghe dân nói”. Lãnh đạo địa phương đã rà soát, làm việc với chủ cơ sở. Báo cáo với người dân trong buổi đối thoại mới đây, lãnh đạo phường Đông Hưng Thuận cho biết các cơ sở này đã ngừng hoạt động.

Đó là một trong nhiều nội dung mà lãnh đạo các địa phương đã giải quyết rốt ráo từ phản ánh của người dân qua các cuộc đối thoại “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, do Ủy ban MTTQ quận 12 tổ chức. Theo ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 12, mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” là dịp để cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với dân. Qua đó, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn và huy động các nguồn lực để chăm lo cho người dân.

Ngoài các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, bức xúc của người dân, các phường cũng cử ban công tác mặt trận đến từng hộ dân khảo sát, nắm tình hình và trực tiếp thu thập ý kiến người dân. Các ý kiến được phân loại theo từng nhóm vấn đề và chuyển tới các cơ quan chức năng. Người dân sẽ đăng ký phát biểu, các cơ quan chức năng sẽ trả lời trực tiếp. Sau 5 năm thực hiện, mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đã được tổ chức rộng khắp từ phường đến quận với 42 cuộc, 6.954 lượt người tham dự, ghi nhận hơn 1.251 lượt ý kiến của người dân.

Đến nay, “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đã trở thành nơi người dân gửi gắm những phản ánh, bức xúc và cả hiến kế để cùng xây dựng địa phương phát triển. Những kết quả này đã góp phần khẳng định được vai trò của MTTQ trong đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cùng với đó là việc thực hiện dân chủ, phát huy vai trò trách nhiệm người dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ngoài ra, từ kết quả mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, các tổ chức thành viên MTTQ các phường đã tập hợp và xây dựng lực lượng nòng cốt, thực hiện hiệu quả các mô hình giữ gìn an ninh trật tự trong khu dân cư, an sinh xã hội như: Vầng trăng nhân ái, Ngày thứ bảy đến với dân, Hũ thịt kho nghĩa tình, Vòng tay nhân ái…

10 tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần 2

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vừa công bố danh sách 10 tập thể, cá nhân được trao tặng giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần 2 năm 2020. Cụ thể, 6 tập thể được trao giải gồm: Thường trực HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM với chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, Hội Nông dân Việt Nam TPHCM với mô hình “Tết nghĩa tình”, Ủy ban MTTQ quận 12 với mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức với mô hình “Vận động giảm giá, không tăng giá cho thuê phòng trọ”. Mô hình “Mỗi tuần 15 phút vì thành phố văn minh và sạch đẹp” của cán bộ và nhân dân phường Bến Thành (quận 1) và công trình bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc”, Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1954-1975 của Ban Liên lạc Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng nhận giải thưởng năm nay.

Hội đồng xét giải cũng chọn 4 cá nhân để trao giải. Đó là ông Nguyễn Trọng Xuất với công trình quyển sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc” giai đoạn 1930-1954; nữ tu Trần Thị Lý với mô hình “Vận động nữ giới trong đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; Thượng tọa Thích Huệ Công với mô hình “Ngày hội vì dòng kênh xanh” và Hòa thượng Thích Thanh Sơn với các hoạt động vì người nghèo; sáng kiến “Tổ chức họp mặt chức sắc các tôn giáo nhân đại lễ Phật đản”.
                                                                                       THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục