Nỗi lo thời hội nhập

Chúng ta vẫn luôn tự hào là nước có lợi thế về nông nghiệp, có truyền thống về chăn nuôi heo - bò - gà đã ngàn đời nhưng mới đây dư luận không khỏi băn khoăn khi thịt bò Australia đang được doanh nghiệp nhập ồ ạt vào Việt Nam, đơn giản vì “thịt bò ngoại” rẻ hơn thịt bò chăn nuôi trong nước. Không chỉ riêng chuyện thịt bò mà nhiều năm nay, rất nhiều nông sản khác của Việt Nam luôn lép vế ngay trên sân nhà, chẳng hạn gà Trung Quốc có giá thành luôn rẻ hơn gà trong nước; nhiều loại trái cây ngoại từ Thái Lan, Trung Quốc đổ vào Việt Nam không hoàn toàn do tính hiếu kỳ mà vì giá rẻ hơn do năng suất cao và giá thành khá thấp.

Trong khi hàng nông sản Việt Nam thì đối diện dịch bệnh, chi phí sản xuất cao, chất lượng không tương xứng... Nếu cứ đà này, rồi đây sản phẩm nông sản trong nước không chỉ mất cả lợi thế và sức cạnh tranh xuất khẩu mà còn “thua đẹp ngay trên sân nhà”.

Nếu đứng về quyền lợi của người tiêu dùng thì thật vui nhưng lại không khỏi lo xa nếu suy nghĩ kỹ về tương lai của một nền nông nghiệp khi chúng ta sống không chỉ dựa vào một nền kinh tế nhập khẩu.

Trong khi nhiều chuyên gia cho biết, xu hướng chung của các sản phẩm nông sản xuất khẩu khi gia nhập thị trường chung - dù đó là WTO hay TTP... là giảm thuế suất, miễn thuế để tạo lợi thế song phương. Như vậy, nếu không lột xác, nông sản Việt Nam liệu có đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại.

Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn luôn tự hào là một nước có ưu thế nền nông nghiệp. Sản lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng nhất nhì thế giới nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng từng khẳng định, nâng cao giá trị và đầu tư mạnh cho chăn nuôi là cú hích tăng trưởng cho ngành nông nghiệp thay vì chỉ trông chờ vào lúa gạo. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT cũng xác định và nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng để gia tăng giá trị cho nền nông nghiệp, không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta cũng cần đầu tư mạnh cho những sản phẩm và lĩnh vực chủ lực, trong đó ngành chăn nuôi đã được chọn là một trong những đòn bẩy để tạo cú hích tăng trưởng nông nghiệp, tạo “cần câu” cho nông dân làm giàu.

Tuy nhiên cho đến nay, ngoài lúa gạo là một ưu thế do điều kiện tự nhiên đem lại, chúng ta vẫn chưa khai thác được những sản phẩm ưu thế khác, như chăn nuôi để tạo thương hiệu xuất khẩu. Trong khi nhắc đến Hà Lan, Israel là chăn nuôi bò sữa; nói đến Brazil là cà phê; Sri Lanka và Trung Quốc là chè; Ấn Độ là ngô và đậu tương... Rất nhiều sản phẩm lẽ ra là một ưu thế xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn chỉ là hàng tiêu dùng nội địa.

Đơn giản như về chăn nuôi bò sữa, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là nơi có điều kiện khí hậu rất lý tưởng để phát triển một thương hiệu như Hà Lan, nhưng mới đây Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận, mặc dù đã có truyền thống hơn 60 năm nhưng ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam vẫn chỉ theo kiểu nông hộ, trong tư duy vẫn chỉ xác định bò sữa là “con giảm nghèo” chứ chưa phải để làm giàu và gần đây mới xuất hiện các mô hình trang trại.

Để ngành chăn nuôi có thể “lột xác”, đành rằng không đơn giản nhưng không phải ngoài tầm tay của chúng ta và điều kiện cần là phải triển khai đồng bộ cả loạt giải pháp. Không chỉ tạo bước đột phá về giống như áp dụng hoặc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp nhập các giống ưu việt của thế giới mà còn chủ động quy hoạch cơ sở hạ tầng, đồng cỏ và tạo cơ chế ưu đãi cho các mô hình chăn nuôi lớn theo quy mô trang trại, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi - nông nghiệp.

Các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước có tiềm năng về vốn và kinh nghiệm là những “đầu tàu” có sức kéo cả nền nông nghiệp bứt phá. Ngoài ra, áp dụng các giải pháp giảm giá thành trong chăn nuôi cũng là điều kiện để phục hồi ngành chăn nuôi đang uể oải khi nông dân thi nhau bỏ hoang chuồng trại; càng đầu tư càng thua lỗ vì dịch bệnh; giá bán dưới mức giá thành do giá thức ăn chăn nuôi “đầu vào” quá cao, Nhà nước không thể điều tiết và quản lý nổi.

Trong khi từ nhiều năm nay, để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đã có không ít chuyên gia và nhà khoa học liên tục đề nghị chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước, cho phép đưa các giống cây biến đổi gen, ứng dụng công nghệ sinh học ra đồng ruộng để tạo bước ngoặt về năng suất, hỗ trợ chăn nuôi... nhưng cho đến nay, lộ trình vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Đành rằng các bước đi cần chắc chắn nhưng nếu do dự và vì thủ tục quan liêu phiền hà thì rõ ràng không thể có cửa cho một nền nông nghiệp vươn mình thoát khỏi trì trệ và lạc hậu.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia thì giờ đây xu thế chung là không chỉ tăng năng suất mà còn phải gắn chặt với yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho ra những sản phẩm nông sản sạch để đủ điều kiện cạnh tranh, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng. Rõ ràng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản sẽ không chỉ giúp “hàng Việt” đủ sức vươn ra thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm của quốc gia khác mà còn đứng vững ngay trên sân nhà. Đó chính là lợi thế kép, hiệu quả kép. Nếu chúng ta không nâng giá trị cũng như năng suất và chất lượng an toàn cho các sản phẩm nông sản thì không thể xuất khẩu vào thị trường khác mà còn thua trắng ngay trên sân nhà.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục