Sau đợt mưa tháng 8 vừa rồi, vườn rau thơm của cô Lan hàng xóm lên xanh tốt. Cô gọi tôi sang, bảo tôi ngắt một ít về mà ăn. Mẹ Việt tôi xa nhà, lấy chồng Đức đã bốn năm, cũng bị dần quên đi nhiều hương vị những món rau thơm Việt Nam - mừng húm, bươn bả xách cả hai đứa con thơ sang nhà cô, lượm một nhúm mang về.
Thịt thà, đồ lòng ở siêu thị Đức không thiếu, thậm chí khá rẻ, vì người bản địa ít khi ăn nội tạng động vật. Sườn heo thì cũng được những lò mổ bán ra thị trường với giá cực mềm - chỉ có rau thơm là thứ xa xỉ phẩm nơi xứ trời tây này.
Ban công tại những ngôi nhà ở Đức - nơi người dân trồng hoa và các loại rau thơm theo ý thích
Cô Lan sang Đức định cư đã trên 30 năm. Ban công ở nhà được cô sửa sang lại và trồng rau thơm cùng các loại rau thuần Việt khác để tự cải thiện.
Mỗi gia đình Việt sống ở Đức hầu như đều làm theo cách này để ít nhiều luôn có sẵn bên mình chút rau thơm ăn cho đỡ quên vị Việt - điều mà họ lo lắng ở thế hệ thứ hai sẽ bị lâm vào tình trạng này, thế hệ vốn sinh ra và lớn lên nơi đây, rồi đến tuổi đi học, tiếp xúc với bạn bè tây, và chỉ ăn tuyền đồ ăn tây với bơ, bánh mì và xúc xích.
Những gia đình người Việt có điều kiện hơn, ở nhà mặt đất, và có một mảnh vườn nho nhỏ, được gia chủ trồng, đa dạng các loại rau Việt như mồng tơi, mướp, dọc mùng, rau húng, rau mùi... vừa để tự cung tự cấp, khi nào dồi dào mang đi biếu người thân bạn bè - xem như đã là thắng lợi và phấn khởi về mặt tinh thần nơi xứ người.
Vào thời điểm mùa hè, khi mà nắng ấm và điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc rau xanh phát triển, thì việc kiếm các loại rau thơm cho bữa ăn hàng ngày trong cộng đồng người Việt ở Đức còn đỡ khan hiếm.
Nhưng vào mùa đông khắc nghiệt, tuyết trắng phủ dầy khắp nơi, nhiệt độ xuống sâu kéo dài triền miên từ tháng 11 năm trước tới tháng 3 năm sau, thì việc khan hiếm các loại rau thơm và rau thuần Việt khác càng trở nên trầm trọng.