Năm học 2014 - 2015 đã bắt đầu nhưng ở nhiều quận, huyện, công tác xây dựng trường lớp đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ em trên địa bàn vẫn là bài toán khó. Nhiều nơi, học sinh phải học trong những phòng học tạm hoặc “học nhờ” trường của các địa bàn kế cận rất bất tiện… Đó là một trong những vấn đề vừa được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới do Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vào sáng 14-8.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận Tân Bình, một ngôi trường mới sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm học 2014-2015. Ảnh: MAI HẢI
Trường lớp mới đáp ứng 50% nhu cầu
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, trong năm 2013 đã có 1.515 phòng học được xây mới. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2014, TP đã nỗ lực xây dựng thêm 1.361 phòng học và đưa vào sử dụng 522 phòng chức năng với hơn 315 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, ghi nhận tình hình thực tế ở các địa phương vẫn hết sức lo ngại. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp cho biết: “Hiện nay, việc phân bố trường trên địa bàn 16 phường của quận Gò Vấp không đồng đều, có trường quá lớn nhưng ngược lại có trường lại quá nhỏ. Có ít nhất hai phường chưa có trường tiểu học và 4 phường chưa có trường THCS công lập”.
Mặc dù năm học này có thêm bốn trường mới đưa vào sử dụng là Mầm non An Nhơn, Mầm non Hoa Phượng Đỏ, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn và THCS Huỳnh Văn Nghệ nhưng vẫn chưa thể nào đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức bày tỏ, do áp lực về tăng dân số cơ học quá cao nên mặc dù đã đồng loạt triển khai thêm nhiều dự án xây mới nhưng đến nay vẫn có 3 phường trên địa bàn quá tải sĩ số học sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn thừa nhận: “Thiếu trường lớp là bài toán đã tồn tại nhiều năm qua của ngành giáo dục. Chính việc tăng dân số cơ học quá nhanh để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP đã dẫn đến việc quá tải trường lớp”. Ông Sơn dẫn chứng, trong khoảng 4 - 5 năm trở về trước, mỗi năm TP chỉ tăng thêm 1.000 - 1.100 phòng học. Nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, con số này đã tăng lên 1.500 phòng mỗi năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Theo thống kê, mỗi năm TP tăng thêm 99.000 học sinh. Để giải quyết được hết chỗ học phải có thêm 3.000 phòng học được xây mới. Tuy nhiên trên thực tế, năm học 2014 - 2015 mới có 1.527 phòng được xây mới, đáp ứng hơn 50% nhu cầu. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chẳng những không thể tăng theo chủ trương chung của Bộ GD-ĐT mà còn có nguy cơ sụt giảm. Tính đến tháng 8-2014, TP mới có 74 công trình được ghi vốn, chuẩn bị khởi công xây dựng; 118 công trình khác đang trong quá trình triển khai. Theo tiến độ này, TP khó hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 3 phòng học/100 người dân trong độ tuổi đi học.
Học phí và chất lượng trường tư?
|
Hệ thống trường công đang quá tải, nhiều địa phương phải nhờ đến trường tư chia sẻ áp lực sĩ số. Ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 3 cho biết, tỷ lệ trẻ mầm non học tại các cơ sở ngoài công lập đang có chiều hướng tăng. Hiện nay, tổng số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập là 4.097 em, đạt tỷ lệ 37% so với tổng số 6.958 trẻ đang học tại các cơ sở mầm non công lập trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, theo TS Hồ Hữu Nhật, Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, học phí ở các trường tư hiện nay rất không đồng đều. Cùng nhận giữ trẻ ở một độ tuổi nhưng có trường thu học phí hơn 6 triệu đồng/tháng, có trường chỉ thu khiêm tốn 1,7 - 1,8 triệu đồng/tháng. Ông Nhật đặt câu hỏi: “Trách nhiệm quản lý của cơ quan giáo dục đến đâu trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo cho hệ thống trường tư? Không thể có tình trạng phân biệt con ruột (trường công) – con ghẻ (trường tư) dẫn đến thực tế đáng buồn là thời gian vừa qua nhiều trường tư không cầm cự nổi phải tuyên bố tự phá sản”.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Danh, thành viên Hội Cựu giáo chức TP đóng góp ý kiến: “Hiện nay đang có một khoản chênh lớn về trình độ học tập của học sinh trường công và trường tư. Nguyên do là với cách dạy lệch, thiên về các môn chính “học để thi” như Văn, Toán, Lý, Hóa, nên học sinh trường tư chỉ học đối phó và gần như hổng kiến thức liên quan đến các môn Sử, Địa. Đó là một thực tế đáng báo động. Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho hệ thống giáo dục nói chung và chất lượng nguồn nhân lực nói riêng của TP”.
Giải tỏa băn khoăn này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cam kết không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trong yêu cầu quản lý đối với trường công và trường tư. Tuy nhiên theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường tư hoạt động theo cơ chế tự thỏa thuận học phí với phụ huynh và hợp đồng lương cho giáo viên nên Sở GD không thể can thiệp được. “Nếu có trường tư nào tự ý thu học phí với mức giá trên trời thì theo quy luật đào thải của thị trường sẽ bị người học quay lưng. Khi đó, các trường này dù chất lượng đào tạo tốt đến mấy cũng khó lòng tồn tại” - ông Sơn khẳng định.
THU TÂM