Nông dân trúng mùa khoai mì nhờ giống mới và kỹ thuật từ Ajinomoto Việt Nam

Nhờ áp dụng giống khoai mì HN1 và mô hình canh tác bền vững do Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh Đông Nam bộ đã tăng gấp đôi năng suất, giảm chi phí sản xuất và đồng thời góp phần giảm phát thải CO₂, hướng tới nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Anh Phan Đình Huynh bên ruộng khoai mì đang thu hoạch
Anh Phan Đình Huynh bên ruộng khoai mì đang thu hoạch

Tăng gần gấp đôi năng suất

Theo anh Phan Đình Huynh (ngụ tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), trước đây vườn khoai mì của anh thường xuyên đối mặt với tình trạng năng suất thấp, cây trồng nhiễm bệnh và chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang giống mới HN1 do Ajinomoto Việt Nam giới thiệu, hiệu quả sản xuất đã được cải thiện đáng kể.

Sau một vụ trồng thử nghiệm trên diện tích 1.000m², nhận thấy sản lượng tăng, chi phí và công chăm sóc giảm, anh Huynh đã quyết định mở rộng toàn bộ 28ha đất canh tác sang giống mới. Đến vụ thu hoạch, anh ghi nhận sản lượng đạt hơn 40 tấn/ha, gần gấp đôi so với giống cũ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Mạnh ở phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, cũng thu được kết quả khả quan sau hai vụ trồng giống HN1. Nhờ áp dụng giống mới cùng kỹ thuật canh tác cải tiến, anh Mạnh đã giảm được 15% chi phí đầu tư (từ 20 triệu xuống còn 17 triệu đồng/ha), trong khi năng suất tăng từ 18–20 tấn/ha lên 39–41 tấn/ha.

Picture2.jpg
Thu hoạch khoai mì thuộc dự án Khoai mì bền vững do Ajinomoto Việt Nam triển khai

Giống khoai mì HN1 do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) nghiên cứu và phát triển, có khả năng kháng bệnh khảm lá, thân cây phát triển thẳng, phù hợp với cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Ngoài việc giúp tiết kiệm nhân công, HN1 còn có hàm lượng tinh bột cao (28%–30%), đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến, từ đó giúp tăng giá trị thương phẩm cho nông dân.

Hướng tới nông nghiệp xanh

Dự án “Khoai mì bền vững” không chỉ dừng lại ở cải tiến giống cây trồng mà còn hướng tới mô hình canh tác thân thiện với môi trường. Một trong những điểm đáng chú ý là việc khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMI α thay cho phân bón hóa học.

Loại phân hữu cơ này không chỉ cung cấp dưỡng chất cho cây mà còn giúp cải tạo đất, tăng lượng chất hữu cơ và hạn chế phát thải CO₂. Theo thống kê, trong năm 2024, dự án đã giúp giảm ước tính 141 tấn CO₂ từ việc thay đổi phương pháp canh tác.

Picture3.jpg
Bà Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc thăm ruộng khoai mì giống đang nghiên cứu

Ngoài ra, nông dân tham gia dự án còn được tiếp cận với các buổi hội thảo kỹ thuật, được tư vấn trực tiếp bởi chuyên gia từ Ajinomoto Việt Nam và Trung tâm Hưng Lộc, giúp nâng cao kiến thức và áp dụng các phương pháp trồng trọt tiên tiến.

Dự án cũng đưa công nghệ số vào hỗ trợ nông dân thông qua ứng dụng “Khoai mì – Aji”, một công cụ kỹ thuật số cho phép người trồng quản lý tiến độ mùa vụ, nhận cảnh báo sâu bệnh và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với cộng đồng nông dân cả nước.

Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp người nông dân làm việc hiệu quả hơn mà còn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ “làm nhiều” sang “làm thông minh, làm bền vững”.

Mô hình được nhân rộng

Khởi động từ năm 2023 tại bốn tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án “Khoai mì bền vững” ban đầu được triển khai trên 78,3ha. Sang năm thứ hai, diện tích đã tăng gần 7 lần, lên 503,3ha với sự tham gia của 27 hộ nông dân.

Ajinomoto Việt Nam cũng đóng vai trò kết nối đầu ra cho sản phẩm bằng cách hợp tác với các đơn vị thu mua tinh bột, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất.

Picture4.jpg
Cán bộ kỹ thuật từ Ajinomoto Việt Nam đồng hành cùng nông dân trồng mì của dự án

Sau hai năm thực hiện, dự án ghi nhận năng suất trung bình đạt 41 tấn/ha, gần gấp đôi phương pháp canh tác truyền thống, đồng thời góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng mì.

Theo kế hoạch, Ajinomoto Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng quy mô dự án lên 20.000ha vào năm 2030. Khi đó, toàn bộ nguồn tinh bột khoai mì dùng trong sản xuất bột ngọt của công ty sẽ đến từ vùng nguyên liệu canh tác bền vững.

Dự kiến, mô hình này sẽ giúp giảm hơn 5.600 tấn CO₂ mỗi năm, góp phần giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển lâu dài.

Tin cùng chuyên mục