Nữ chiến sĩ biệt động Cát Lâm

Nữ chiến sĩ biệt động Cát Lâm

Ông Tư Chu, Tư lệnh biệt động Sài Gòn, có biệt tài nhớ dai. Ngồi một lúc ông có thể lôi từ trong trí nhớ hàng trăm câu chuyện của hàng trăm chiến sĩ biệt động ra để kể. 

Nhưng mới đây, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện chẳng hề có bóng dáng con sông. Chuyện về một chiến sĩ biệt động người Hoa... Tôi hết sức bất ngờ, thú thật, từ lâu rồi, tôi chẳng bao giờ nghĩ trong lực lượng biệt động Sài Gòn lại có đông người Hoa như vậy.

Nữ chiến sĩ biệt động Cát Lâm ảnh 1

Ngô Tú Anh (tức Út Phương), công nhân dệt Vimytex, cán bộ biệt động Hoa vận, người trực tiếp lãnh đạo Cát Lâm.

Chuyện rằng, vào đợt hai (Mậu Thân 1968) ở hướng Tây-Nam (phân khu 2), Bộ Tư lệnh Miền tăng cường một trung đoàn chủ lực, tấn công khu vực Minh Phụng, chợ Thiếc, sân vận động Cộng Hòa, đường Lạc Long Quân, cầu Cây Gõ... Phối hợp với trung đoàn, chịu trách nhiệm dẫn đường là các chiến sĩ biệt động trong đội vũ trang Hoa vận.

Vào giữa đợt hai, cuộc chiến đang hết sức ác liệt, các mũi tấn công đều bị phản kích dữ dội, các đơn vị vốn chiến đấu tập trung, bây giờ phải xé lẻ. Hướng chợ Thiếc, một tiểu đội được một chiến sĩ biệt động dẫn đường là một chiến sĩ người Hoa, cô Cát Lâm.

Cát Lâm còn rất trẻ, hai bím tóc ngắn, da trắng, mắt tròn, mặt rất xinh. Cô thoăn thoắt vượt qua từng dãy nhà dẫn đường cho bộ đội đến chợ Thiếc. Vượt qua con phố nhỏ, gặp địch, một đơn vị biệt động quân ngụy có xe bọc thép dẫn đầu bắn xối xả vào đội hình, cắt đứt phần lớn tiểu đội ở lại bên kia đường. Cát Lâm và một chiến sĩ vượt qua được bên phải đường, lách vào dãy nhà đổ, đi sâu vào bên trong, họ leo lên được một căn phòng trơ trọi bên tầng lầu thứ hai của dãy phố xung quanh đã bị bom đánh sập. Ở đây có thể quan sát được diễn biến trận chiến đấu của tiểu đội và những đơn vị ở  phía sau. Trận phản kích của một tiểu đoàn quân ngụy có xe tăng và xe bọc thép diễn ra rất ác liệt. Cát Lâm và người chiến sĩ vẫn ở trên tầng hai, bọn ngụy không phát hiện hai chiến sĩ của ta, bọn chúng tập trung phía bên kia đường...

Trời tối dần,  tiếng súng thưa rồi chấm dứt, bọn ngụy rút ra phía sau con đường, nơi Cát Lâm đang đứng, co cụm, triển khai đội hình phòng ngự. Cát Lâm biết bọn chúng sẽ đóng quân qua đêm tại đây.

Đêm xuống, mệt, đói và khát. Cát Lâm dặn anh bộ đội: “Ở lại đây, không được đi đâu, lạc là chết”. Cô lẫn vào bóng tối đến những nhà bỏ đi sơ tán, lát sau bê về một nồi cơm nguội đã có mùi và vài ổ bánh mì, nước uống... Nhưng, về đến nơi cô không thấy anh ta, Cát Lâm sực nhớ, có chiến sĩ gọi tên anh bộ đội lúc chuẩn bị xuất phát, bèn cất tiếng rất nhỏ “anh Sinh, anh Sinh”. Cô hốt hoảng, nhưng không thể gọi to, Cát Lâm đi tìm...

Đến một hẻm, gặp anh bộ đội trẻ đang rút vào một khe, đề phòng. Họ lại dắt nhau lên gác, ăn hết số lương thực và nước uống kiếm được, người khỏe ra, môi tươi trở lại. Sinh muốn nói chuyện, Cát Lâm vội vã lấy tay bịt miệng anh bộ đội. Tự nhiên, bàn tay cô gái có mùi gì đó rất đặc biệt làm cho Sinh thổn thức, anh không muốn cô co tay về. Cát Lâm nhìn anh. Sinh xoay người ghé môi vào vành tai Cát Lâm thì thầm giọng miền Bắc nhè nhẹ: “Giờ này, tôi nhớ mẹ và em gái tôi quá...”. Môi của Sinh khẽ chạm vào vành tai Cát Lâm, tự nhiên một cảm giác bừng lên như có một luồng điện mạnh, êm, truyền sang vành tai rồi lan ra khắp cơ thể cô.

Suốt ngày hôm sau họ ở bên nhau, Sinh quan tâm hơn tới Cát Lâm. Còn Cát Lâm, cô biết rõ, có một cái gì đó đang chảy trong huyết quản...

Sáng ngày thứ ba, cuộc tấn công của bọn biệt động quân “cọp đen” có máy bay và xe tăng Mỹ yểm trợ, đánh ác liệt vào các ổ phòng ngự của quân ta. Đến gần trưa, bọn “cọp đen” không chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân ta, bọn Mỹ bắt đầu ném bom vào khu dân cư. Quân ta đánh trả quyết liệt, từ trưa cho đến xế chiều.

Quân ngụy thu xác đưa lên xe tải hàng chục tên lính mặc áo rằn  ri. Hết sức bất ngờ, Cát Lâm nhận ra bọn ngụy kéo xác một chiến sĩ Quân Giải  phóng, trên người có vương chiếc khăn của Cát Lâm tặng cho Sinh đêm hôm kia. Cát Lâm chạy vội đến cùng với những người dân tò mò, cô nhận ra nét mặt của Sinh! Hổn hển chạy theo hai tên lính đang kéo xác Sinh đến chiếc xe tải đã mở ở phía sau, Cát Lâm xây xẩm ngất lả xuống lề đường...

***
Thành phố giải phóng, Cát Lâm trở lại nơi chiến đấu ngày xưa, ngôi nhà cũ nơi cô và chàng trai ẩn khi xưa, bây giờ là ngôi nhà nhiều tầng, đường phố sạch và đẹp, không còn dấu vết của chiến tranh. Cát Lâm bước dài trên con đường dưới ánh nắng nhạt buổi chiều, nơi đây chiếc xe GMC đã chở xác Sinh, chẳng biết bọn chúng vùi xác anh ở đâu?

Nữ chiến sĩ biệt động Cát Lâm ảnh 2

Nỗi nhớ thương Sinh tràn ngập, Cát Lâm quyết định tìm Út Phương, người chỉ huy năm xưa. Cô kể hết ẩn tình với người con trai miền Bắc  mà cô chỉ loáng thoáng biết quê anh ở đâu đó có chữ “Bắc”. Út Phương không biết gì hơn, bèn chở Cát Lâm đến Sư đoàn 9, nhưng vị chỉ huy cũng chỉ cung cấp: “Ở miền Bắc có hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có hai chiến sĩ hy sinh trong Tết Mậu Thân có tên là Sinh. Còn... Bắc Cạn, không có”. Cát Lâm quyết định đi Bắc Ninh, cô vất vả lắm mới đến được nhà anh Sinh.

Nhưng trên bàn thờ, ảnh anh bộ đội không có nét mặt của Sinh mà Cát Lâm đã biết. Cát Lâm lại đến Bắc Giang, ở đây Sở Lao động-Thương binh chỉ cho cô đến nhà Trần Văn Sinh. Ngôi nhà tranh, vách đất xiêu vẹo, một bà cụ già mắt đã mờ tiếp Cát Lâm. Cô dõi mắt, bàn thờ là một tấm ván thô được treo bằng hai sợi dây thép, vách dán tờ báo đã úa vàng treo bằng Tổ quốc ghi công, không có ảnh, lâu lắm rồi dường như không có ai thắp nhang...

Cô con gái lấy chồng xóm trên nghe tin chạy về. Vừa thoáng thấy mặt cô gái, Cát Lâm biết chắc chắn đây là nhà của người mà cô đã vượt trên ngàn cây số để đi và tìm. Không còn nghi ngờ, Cát Lâm đến bàn thờ tìm nhang, cô muốn đốt một cây nhang cho anh. Nhưng tìm mãi cũng không thấy, bà mẹ nói: “Mẹ không có tiền mua nhang, nó về ở với mẹ mà lạnh lẽo, tội nghiệp con tôi...”. Cát Lâm không còn tự chủ được mình, cô nhào tới ôm bà mẹ, nước mắt chảy tràn...

Đêm hôm đó và cả ngày hôm sau trên bàn thờ Sinh, khói nhang nghi ngút, bà mẹ có dịp kể về đứa con trai vừa tốt nghiệp lớp 10 xung phong vào bộ đội, bà còn kể con trai bà hiền lành, ngoan ngoãn. Rồi bà mẹ dường như chỉ chờ có dịp để thổ lộ điều mong ước, mẹ không đòi hỏi điều gì cao xa, không một lời buồn phiền, có lẽ mẹ đã quen sự chịu đựng như hàng trăm bà mẹ của xã này có con hy sinh cho nước, mẹ chỉ ao ước: “Mẹ mong có ngày nào đó, mẹ được ôm vào lòng hài cốt con trai mẹ, đưa nó về nằm bên bố nó, ở  trên một gò đất cao, sau nhà...”

 LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục