Lần đầu tiên trong đời, Muhammed Sani, nam, 17 tuổi có thể đọc được chữ cái và những câu đơn giản bằng tiếng Anh như: “I want to eat” và “I want to go home”. Em cũng có thể làm những bài toán đơn giản. Tất cả những tiến bộ này em có được là sau 6 tháng tham gia chương trình “Feed and Read” (tạm dịch: Nuôi và đọc) của Trường Đại học American University of Nigeria (AUN) ở thành phố Yola, phía Bắc Nigeria.
Trước khi tham gia chương trình này hồi năm ngoái, thời gian của Muhammed chỉ dành cho hai việc: đi học kinh Koran và đi xin của bố thí trên đường phố. Em là một trong những “almajiri”- thuật ngữ Arab chỉ những ai bỏ nhà ra đi tìm kiến thức. Theo truyền thống Nigeria, các gia đình thường gửi con đến trường nội trú ở miền Bắc Nigeria xa hàng dặm đường để được chăm sóc bởi các học giả Hồi giáo hay các nhà lãnh đạo Hồi giáo, gọi là Malam và Imam... Tuy nhiên, qua thời gian, hệ thống này trở nên quá tải và bị xao nhãng. Để tồn tại, các Malam bắt đầu gửi những trẻ em này ra đường phố để ăn xin, đẩy chúng vào tình trạng rất dễ thành nạn nhân của buôn người và bị lạm dụng. Tệ hơn, các em rơi vào tầm ngắm tuyển dụng của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram gây loạn ở miền Bắc trong 6 năm qua, giết hại hàng ngàn người và khiến hơn 2 triệu người mất nhà cửa. Theo ước tính của Chính phủ Nigeria, có ít nhất 10 triệu trẻ “almajiri” ở khu vực miền Bắc nước này.
Trẻ em ở thành phố Yola được tham gia “Feed and Read”
Cách đây vài năm, khi chứng kiến cảnh Boko Haram sử dụng trẻ em làm “bom sống”, bà Margee Ensign - Hiệu trưởng AUN - đã quyết tâm cứu hàng triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào tay lực lượng này. Thay vì cho tiền và thực phẩm khi thấy các em tụ thành đám đông xung quanh cổng trường đại học như trước đây, bà đã phát động “Feed and Read”. Bà mời các Malam và Imam đến trường để giải thích cho họ hiểu. Chương trình thận trọng, tránh không đụng chạm đến tôn giáo hoặc việc học kinh Koran của trẻ. Ban ngày, các “almajiri” học kinh Koran. Tối đến, các em tập trung ở bãi đậu xe hơi của trường đại học để học các bài học về tiếng Anh và toán. Các em còn được dạy về các kỹ năng nghề nghiệp và thương mại. Đến giờ cầu nguyện, mọi việc trong chương trình học dừng lại. Các em được cung cấp những bữa ăn dinh dưỡng sau mỗi ngày đến học, được dạy những điều cơ bản về vệ sinh cá nhân…
Trong khi đó, các Malam và Imam cũng được một khoản trợ cấp thường xuyên để họ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào về thu nhập khi các em không ra đường ăn xin nữa. Một trong những mục tiêu của chương trình là khuyến khích mọi người ngừng nhắc đến những đứa bé trai như những “almajiri”, một từ mang khuynh hướng tiêu cực. Bọn trẻ chỉ nên được biết đến như chính bản thân chúng. Chúng cũng được khuyến khích ngừng xem mình như là những kẻ thừa thãi.
Lúc đầu, bà Ensign tự bỏ tiền túi cho “Feed and Read” để cứu các em nhỏ, nhưng khi chương trình ngày càng mở rộng vì hiệu quả của nó, trường đại học bắt đầu lập quỹ AUN để xin tài trợ từ các nhà hảo tâm quốc tế. Tháng 2 vừa qua, trường đã nhận được sự tài trợ của Chính phủ Ireland, nhưng với mục tiêu mới. Đó là nhắm đến các bé gái đang lang thang trên phố vì mồ côi hoặc mất nhà cửa do Boko Haram gây ra.
HẠNH CHI