
Quận Bình Tân - địa bàn trọng điểm về công tác PCCC tại TP Hồ Chí Minh - với 3 khu công nghiệp, một số công ty sản xuất quy mô, chợ và nhất là còn nhiều cơ sở sản xuất tập trung ngành nghề sản xuất nguy hiểm về cháy, nổ, như: dung môi, hóa chất, gas, xăng dầu, may mặc, chế biến gỗ, đồ xốp, nhựa… Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để đảm bảo công tác.
“Ó keo” - ngành nghề nguy hiểm
Chắc có lẽ ít có địa phương nào còn tồn tại ngành nghề khá nguy hiểm như nghề “ó keo”. Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân, cho biết: “Thật sự tôi cũng không biết cái nghề “ó keo” có tự bao giờ. Đại khái là bà con thu mua đồ nhựa phế liệu rồi đốt cháy lấy nhựa để làm ống nước, rổ, thau, chậu… Dù có cải tiến hơn trước khá nhiều, nhưng tình hình ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác PCCC là cực kỳ nghiêm trọng. Theo thống kê, trên địa bàn hiện còn hơn 30 cơ sở như vậy. Chúng tôi đã tham mưu, đề xuất với UBND quận Bình Tân và đang cho kiểm tra quyết liệt các cơ sở này. Chính nhờ vậy, tình hình cháy, nổ tại khu vực này chưa xảy ra”.

CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân đang diễn tập cứu người trong đám cháy.
Quận Bình Tân - địa bàn trọng điểm về công tác PCCC - với 3 khu công nghiệp: Tân Tạo, Tân Bình mở rộng, Vĩnh Lộc; 2 cụm công nghiệp là Hai Thành và Việt Tài… Ngoài ra, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam với sản xuất quy mô lớn với hơn 30.000 công nhân; chợ và nhiều cơ sở sản xuất tập trung ngành nghề sản xuất nguy hiểm về cháy, nổ, như: dung môi, hóa chất, gas, xăng dầu, may mặc, chế biến gỗ, đồ xốp, nhựa… có khả năng phát sinh cháy, nổ cao. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn quận Bình Tân đã xảy ra 15 vụ cháy, tăng 1 vụ so với 6 tháng trước đó. Tuy nhiên, số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC lại tăng cao, với 3.453 cơ sở, tăng hơn thời gian trước đó 272 cơ sở. Với quy mô như vậy, nhưng không có vụ cháy lớn, nghiêm trọng nào xảy ra chính là một thành công lớn trong công tác quản lý nhà nước về PCCC. Lý giải cho hiệu quả đặc biệt này, Đại tá Huỳnh Văn Quyến cho biết: “Đó chính là nhờ chúng tôi đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, lực lượng chuyên nghiệp cơ động và kiểm tra, hướng dẫn theo định kỳ, theo chuyên đề, ngành nghề, các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao đang hoạt động xen cài trong khu dân cư”.
Không chạy theo thành tích, số lượng
Với tình hình phức tạp như vậy, Đảng ủy - Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân luôn tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Với phương châm “Lấy hiệu quả, chất lượng là chính, không chạy theo thành tích, số lượng”, công tác chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thể hiện rất rõ trong việc phân công từng đồng chí trong Ban chỉ huy Phòng, Đội trực tiếp kiểm tra các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 8.500 lượt cơ sở được kiểm tra, phúc tra. Qua đó, các thiếu sót, sai phạm… trong công tác an toàn PCCC được kịp thời phát hiện và có giải pháp khắc phục tức thì.

CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân đang nỗ lực khống chế một đám cháy.
Việc kiểm tra được thực hiện theo từng chuyên đề cụ thể với giải pháp an toàn PCCC trên địa bàn quận Bình Tân là “Kịp thời, chính xác, khoa học và chu đáo” phù hợp với từng giai đoạn, tình hình thực tế. Hiệu quả đáng ghi nhận của công tác kiểm tra, tham mưu cho UBND quận Bình Tân giải pháp chuyển hóa cơ sở, ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao. Do lịch sử để lại và việc đô thị hóa chưa đồng bộ, cách đây vài năm, quận Bình Tân còn 601 cơ sở như vậy. CB-CS Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa kiểm tra, vừa tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn để khắc phục tồn tại thiếu sót. Tính đến nay, toàn quận chỉ còn 29 cơ sở, trong đó có 17 cơ sở không có hướng khắc phục và cam kết di dời. Vấn đề này cho thấy sự hợp tác và ý thức rất cao của chủ doanh nghiệp với tình hình cháy, nổ. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, PCCC quận Bình Tân đã tham mưu đề xuất chính quyền địa phương đưa các hộ kinh doanh ngành nghề chuyên bán bánh tiêu, giò quẩy ở khu phố 14, phường Bình Trị Đông A về vị trí an toàn. Về vấn đề này, Đại tá Quyến cho biết: “Đây là ngành nghề truyền thống, hàng chục hộ kinh doanh là bấy nhiêu đó chảo dầu, lò gas, bếp điện… Chỉ cần một sơ suất nhỏ là cháy lan, cháy lớn. Ý thức của người dân đã được nâng lên khá cao với việc chấp thuận việc tập trung bếp lò, chảo dầu về một vị trí an toàn hơn. Ngoài ra, các hộ còn tự trang bị thêm bình chữa cháy để đảm bảo khắc phục ngay giây phút đầu tiên sự cố xảy ra”.
Tại thời điểm này, trên địa bàn quận Bình Tân đang nổi lên 2 ngành, nghề cần phải tập trung chấn chỉnh. Đó là 42 điểm kinh doanh, sản xuất hóa chất và 217 cơ sở thu mua phế liệu. UBND quận Bình Tân đã có các văn bản chấn chỉnh tình hình này. PCCC quận Bình Tân đã có kế hoạch kiểm tra các ngành, nghề nguy hiểm này và đánh giá lại toàn bộ điều kiện PCCC tại các chung cư, trong đó tập trung chung cư Nguyễn Quyền. Công tác quản lý nhà nước về PCCC tại quận Bình Tân đã chuyển biến tích cực. Việc giải quyết được các tồn đọng nêu trên sẽ ít nhiều tác động tích cực đến việc đảm bảo tình hình cháy nổ tại địa phương.
ĐOÀN HIỆP