PGS-TS Phan Thanh Bình: Để xây dựng trường đại học chất lượng không hề dễ

Đồng chí PGS – TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành TW  Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tới thăm và làm việc tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
 PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi tham quan cơ sở vật chất tại Cơ sở An Phú Đông, Quận 12, đồng chí Phan Thanh Bình cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội đã có buổi làm việc với tập thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về việc triển khai và thực hiện Luật Giáo dục Đại học.

Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội, PGS – TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Qua 18 năm phát triển từ một trung tâm đào tạo nghề của doanh nghiệp đến nay trường là một trong những trường đại học đa ngành, đa nghề có uy tín trong cả nước. Quy mô đào tạo gần 20.000 sinh viên, tạo được gần 2.000 chỗ làm, hàng năm cung cấp cho thị trường lao động gần 5.000/năm kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn và lành nghề. Đội ngũ giảng viên của trường hiện nay là hơn 1.400 người, nhiều nhất so với 60 trường đại học ngoài công lập.

PGS-TS Phan Thanh Bình: Để xây dựng trường đại học chất lượng không hề dễ ảnh 1 PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội
Trao đổi về thực hiện Luật Giáo dục Đại học với Đoàn Đại biểu Quốc hội, PGS – TS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng nhà trường nêu ra 8 kiến nghị cần sửa đổi trong Luật Giáo dục Đại học như: xem xét lại các loại đánh giá trong phân tầng xếp hạng, chuẩn quốc gia, kiểm định trọng điểm để tạo sự nhất quán, rõ ràng; cần một chương riêng giáo dục đại học ngoài công lập; mở rộng quy định tự chủ cho các trường đại học ngoài công lập, nêu tiêu chuẩn được tự chủ về các mặt chương trình, mở ngành, hợp tác quốc tế; quy định rõ các ưu đãi đối với đại học ngoài công lập không vì lợi nhuận; nên mạnh dạn giao công tác tổ chức kiểm định - xếp hạng cho các tổ chức độc lập bên ngoài; cần khuyến khích các trường tham gia vào kiểm định - xếp hạng quốc tế bằng cách thừa nhận các hệ thống xếp hạng này; xem xét điều chỉnh tên của Luật Giáo dục Đại học theo thông lệ quốc tế và Việt Nam được hiểu là bao gồm CĐ và ĐH; mong muốn các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện cùng được công bố cùng thời điểm với phiên bản Luật Giáo dục Đại học mới.

Nghe xong báo cáo của nhà trường một số đại biểu Quốc hội đã cùng nhau thảo luận và xem xét những kiến nghị của nhà trường đưa ra trong đó về tự chủ đại học, về cơ chế chính sách, về tài chính…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thanh Bình cho rằng: “Sau khi tham quan cơ sở mới của trường, chúng tôi đã nhận thấy sự cố gắng rất lớn của nhà trường trong suốt thời gian qua. Chúng tôi hiểu rằng để xây dựng được một trường đại học chất lượng không hề dễ dàng, nhất là đối với trường ĐH tư thục phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Qua phát biểu của thầy hiệu trưởng chúng tôi chia sẻ khát vọng và tâm huyết của nhà trường với tầm nhìn là một trường đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình triển khai nhà trường chưa khai thác hết luật và hệ thống văn bản cho phép. Chúng tôi ghi nhận và ủng hộ khát vọng vươn lên của nhà trường. Chúng tôi ghi nhận những kiến nghị của nhà trường để sắp tới kiến nghị sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục Đại học”.

Tin cùng chuyên mục