Theo Thủ tướng, CĐS phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời huy động tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam. Vì vậy, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp. Đây có thể xem là những thách thức lớn đối với quá trình CĐS ở Việt Nam hiện nay.
Cổng dịch vụ công quốc gia hiện đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Tuy nhiên, theo các khảo sát thì người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%; năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%). Điều đó đồng nghĩa, rất nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương “có mặt” trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng quy trình xử lý phức tạp, khó tiếp cận, thậm chí giải quyết được hay không là chuyện khác… Thậm chí, nhiều dịch vụ dù đã giao dịch thành công trên môi trường số, vẫn bắt buộc người dân xác thực thêm bằng giấy tờ trực tiếp.
Một vấn đề khác, hết sức quan trọng của quá trình CĐS của mỗi quốc gia là hình thành hệ thống dữ liệu lớn quốc gia và liên thông dữ liệu. Thời gian qua, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt là Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM…
Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ, bởi theo Thủ tướng Chính phủ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Đặc biệt, hệ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Vì vậy, cần phải quyết liệt, tránh tình trạng “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”; các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công, nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia. Tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân, doanh nghiệp. CĐS là để hình thành các hệ thống dữ liệu số hóa. Nếu các hệ thống dữ liệu đó không được liên thông, chia sẻ, xác thực lẫn nhau, thì chắc chắn, quá trình CĐS chỉ là nửa vời, không thể có kết quả cuối cùng như mong đợi.
Cùng với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình CĐS hiện nay, thì các vấn đề trên cần được ưu tiên, giải quyết triệt để, càng sớm càng tốt. Bởi việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đa dạng, dễ dàng sử dụng, cũng như sự hình thành, liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được xem là nền tảng, xương sống của của quá trình CĐS, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Nó cũng thể hiện rõ quan điểm, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của CĐS; được dễ dàng tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng kết quả từ quá trình này.