Phải vì lợi ích chung

Hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) vừa bất ngờ “tố” nhau về việc dán chồng thẻ. Gần 40.000 phương tiện cùng lúc dán 2 thẻ Etag (của Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC) và ePass (của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam - VDTC) là con số không nhỏ. 

Đây chính là một phần nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí trong thời gian qua. Sự xung đột về kỹ thuật đã khiến hệ thống không thể nhận diện thẻ, dẫn đến việc nhân viên phải thao tác bằng tay, kéo dài thời gian qua trạm của tất cả phương tiện.

Trong khi VDTC cho rằng VETC đã cố tình dán chồng thẻ Etag lên xe đã dán thẻ ePass thì VETC lại khẳng định không thực hiện kích hoạt tài khoản ảo, chỉ dán thẻ cho trường hợp có yêu cầu, chấp thuận của chủ phương tiện. Cả 2 bên vẫn đang đổ lỗi cho nhau và đứng giữa là khách hàng sử dụng dịch vụ ETC phải chịu thiệt hại. Chất lượng dịch vụ thu phí ETC rõ ràng chưa được như những gì mà Bộ GTVT, các nhà cung cấp dịch vụ đã cam kết ban đầu, như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ùn tắc giao thông… Đó còn chưa kể sự bất bình, ức chế của khách hàng vì không được hỗ trợ, giải quyết những khúc mắc một cách kịp thời.

Việc “tố” nhau dán chồng thẻ khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch trong quá trình triển khai dịch vụ ETC. Liệu có hay không việc chạy đua để đạt mục tiêu số phương tiện dán thẻ đã đề ra? Liệu có hay không sự cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 nhà cung cấp dịch vụ? Quy chế phối hợp trong hợp đồng kết nối liên thông được 2 nhà cung cấp dịch vụ ký kết được thực hiện ra sao? Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong sự việc này là gì?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lộn xộn này là do Bộ GTVT chưa có quy định các điều kiện để kích hoạt tài khoản giao thông, chưa ban hành quy định tiêu chuẩn thẻ ETC, bao gồm cả chất lượng thẻ, vị trí dán trên xe và các thông số kỹ thuật khác… để các nhà cung cấp dịch vụ có cơ sở áp dụng và thực hiện đồng bộ. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ lại quá chú trọng chạy theo lợi ích của chính mình, chưa phải trên tinh thần vì lợi ích của người dân và vì sự thành công của một chủ trương lớn mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.

Đến thời điểm này, sau hơn 7 năm chuẩn bị và hơn 10 ngày chính thức thực hiện, hệ thống thu phí ETC vẫn còn rất nhiều lỗi kỹ thuật, lỗi giao dịch. Các lỗi phổ biến được ghi nhận là: kích hoạt tài khoản giao thông ảo khi chưa có sự đồng ý của chủ phương tiện, chưa kích hoạt tài khoản dù xe đã dán thẻ ETC, dán chồng thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống không nhận diện được thẻ, xe qua trạm bị trừ phí 2 lần hoặc trừ không đúng loại xe, xe không qua trạm vẫn bị trừ phí, khó khăn trong hủy thẻ cũ để đăng ký thẻ mới... Bên cạnh đó, việc nạp tiền vào tài khoản giao thông mất phí cao cũng đang gây bức xúc cho người dân.

Trước thực trạng này, một cuộc thanh tra toàn diện về việc triển khai thu phí ETC là cần thiết. Trong đó, Bộ GTVT cần làm rõ, phân loại các lỗi thẻ ETC, trách nhiệm của các bên để có kết luận và giải pháp khắc phục triệt để. Kết quả kiểm tra, xử lý, chế tài xử phạt của Bộ GTVT phải được công khai, minh bạch, bởi chỉ có sự công khai, minh bạch, vì lợi ích chung mới có thể tạo được niềm tin và sự ủng hộ của người dân. Đặc biệt, người dân đang rất mong yêu cầu của Bộ GTVT về việc các đơn vị để xảy ra vi phạm, tranh chấp pháp lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sẽ không chỉ dừng ở văn bản chỉ đạo. Có như vậy mới mong hạn chế đến mức thấp nhất lỗi kỹ thuật và các trạm ETC mới thật sự thông suốt như kỳ vọng!

Tin cùng chuyên mục