Phản hồi bài “Tượng đài ở TPHCM hiện nay – Chưa xứng tầm”: Quy hoạch phải đi trước

Phản hồi bài “Tượng đài ở TPHCM hiện nay – Chưa xứng tầm”: Quy hoạch phải đi trước

Vừa qua, Báo SGGP đã phản ánh thực trạng Tượng đài ở TPHCM hiện nay chưa xứng tầm với một thành phố đang hội nhập với thế giới. Nhiều tượng đài đang xuống cấp và có những tượng đài đã lên đề án xây dựng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa triển khai. PV SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM xung quanh vấn đề này.

Hình ảnh kém mỹ quan dưới chân tượng đài truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM đặt tại ngã bảy Lý Thái Tổ. (Ảnh chụp sáng 28-9).

Hình ảnh kém mỹ quan dưới chân tượng đài truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM đặt tại ngã bảy Lý Thái Tổ. (Ảnh chụp sáng 28-9).

- PV: Thưa ông, vấn đề sửa chữa, nâng cấp và xây mới tượng đài ở TPHCM hiện nay thế nào?

Ông LÊ TÔN THANH, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM: Chuyện xây dựng tượng đài đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố cũng rất khó khăn, bởi trước hết tượng đài là một công trình kiến trúc, đòi hỏi tính mỹ thuật tinh tế, chứa đựng được những nội dung văn hóa, lịch sử, sự kiện, nhân vật một cách tiêu biểu nhất của đời sống xã hội. Tượng đài phải được đặt trong một không gian phù hợp, chứ không phải muốn đặt ở đâu cũng được. Chẳng hạn như tượng đài Bác Hồ, tượng các anh hùng liệt sĩ… phải cân nhắc rất kỹ nên làm lớn hay nhỏ vì nó phụ thuộc vào văn hóa, lịch sử của dân tộc, không gian kiến trúc nơi đặt tượng.

- Như vậy, vấn đề tượng đài hiện nay đang đòi hỏi phải có sự quy hoạch một cách tổng thể?

Ở TPHCM hiện có 44 tượng đài. Trong đó, tượng đài được xây dựng trước 1975 là 11, sau 1975 là 33 tượng đài. Về chất liệu, đa phần là bê tông cốt thép, sau này mới có một vài tượng đài bằng kim loại. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng tượng đài đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Có những ý kiến cho rằng, đời sống nhân dân còn khó khăn thì việc đầu tư tốn kém vào tượng đài có thật cần thiết chưa…

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng tượng đài là rất cần thiết. Điều này cho thấy việc thực hiện quy hoạch tượng đài là không đơn giản. Thành ủy, UBND TPHCM cũng đang rất quan tâm đã có nhiều chỉ đạo cho các ngành chức năng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hội Mỹ thuật TP, Sở VH-TT-DL TPHCM…) nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo thành phố hướng đầu tư xây dựng tượng đài.

Hiện nay, kinh nghiệm về phát triển tượng đài của chúng ta chưa có. Trong quá trình phát triển đô thị chưa ai quan tâm nhiều đến việc xây dựng tượng đài, bởi công việc này đòi hỏi rất nhiều yếu tố, có khi một ngành không thể làm được. Có những tượng đài đã có nội dung, nhưng việc xây dựng, đặt tượng ở đâu, phải tốn rất nhiều thời gian. Ngay việc sửa chữa, nâng cấp hay xây dựng mới, đòi hỏi chúng ta cũng phải hiểu rõ về tượng đài, đánh giá đúng thực trạng tượng đài.

Vì thế, suốt 2 năm nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá lại tất cả tượng đài để giúp cho việc quy hoạch, phát triển tượng đài trong thời gian tới được tốt. Theo tôi, khi quy hoạch phát triển đô thị phải dành chỗ cho tượng đài, chứ không phải sau khi phát triển đô thị rồi, còn chỗ nào trống mới tính đến chuyện đặt tượng đài…

- Có những tượng đài, dù đã thi thiết kế từ nhiều năm qua, nhưng vì sao chưa xây dựng, thưa ông?

Như tôi đã nói, việc xây dựng tượng đài không hề đơn giản. Ai cũng biết rằng, xây dựng tượng đài Thống nhất, tượng đài Nam bộ kháng chiến là rất cần thiết, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp vô vàn khó khăn. Chẳng hạn như tượng đài Nam bộ kháng chiến, đã có thi thiết kế, chọn được mẫu tượng đài để xây dựng, nhưng vấn đề đặt ở đâu, lại phải hội thảo, bàn tính cả chục lần. Mãi cho đến gần đây, TP mới thống nhất được ý kiến là đặt tượng đài Nam bộ kháng chiến ở Công viên 23-9, còn về vị trí cụ thể và xây dựng như thế nào lại phải tiếp tục tính toán.

- Còn những tượng đài hiện hữu, có tượng được “chăm sóc” bằng cách che chắn, làm mất mỹ quan như tượng đài truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM đặt tại ngã bảy Lý Thái Tổ, ngành văn hóa có biết, và khắc phục thế nào?

Nếu đúng như Báo SGGP phản ánh thì rõ ràng, việc “che chắn” ngay dưới chân tượng là không phù hợp chút nào. Việc này, tôi sẽ sớm nhắc nhở ngành văn hóa ở quận 10 kiểm tra, tháo dỡ, trả lại không gian cho tượng đài.

- Có những ý kiến cho rằng, với một thành phố lớn, hiện đại như TPHCM, đòi hỏi phải có một tượng đài “hoành tráng” có thể trở thành biểu tượng của TPHCM trong tương lai, ông nghĩ thế nào?

Sự đòi hỏi đó hoàn toàn chính đáng. Tôi nghĩ, với TPHCM mang tên Bác Hồ kính yêu, chúng ta có thể quy hoạch, xây dựng một tượng đài Bác Hồ cho thật tương xứng. Nhưng việc quy hoạch, chọn vị trí ở đâu là cả một vấn đề. Nếu như xây dựng, chúng ta có thể quy hoạch, xây dựng tượng đài Bác ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

- Gần đây, có nhiều thắc mắc là ở TPHCM hiện có một tượng đài Bác Hồ khá lớn, làm bằng đá, do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đặt tượng. Vậy tượng đài này đang ở đâu, thưa ông?

Tượng đài Bác Hồ do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thực hiện, đang đặt tạm thời ở Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM. Gần đây, Đại học Quốc gia TPHCM đã có ý kiến xin được thỉnh tượng đài Bác về. Chúng tôi cũng đã có tờ trình, xin ý kiến của lãnh đạo thành phố và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là chọn vị trí nào để đặt tượng Bác Hồ tại Đại học Quốc gia TPHCM. Chúng tôi đã cùng các sở ngành kiến trúc, mỹ thuật… đến Đại học Quốc gia TPHCM khảo sát, tìm vị trí thích hợp để đặt tượng. Tuy nhiên, việc chọn vị trí nào, còn đang phải bàn tính thật kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục