Phản hồi loạt bài Thương mại hóa lễ hội Quản lý lễ hội - không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính

Đến hẹn lại lên, bên cạnh một số chuyển biến tích cực thì các lễ hội mùa xuân với những tệ nạn như “rải rắc” tiền lẻ tràn lan dịch vụ “chặt chém” du khách, đốt đồ mã nơi công cộng… vẫn tiếp tục là điểm nóng của dư luận. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, về vấn đề này.* PV:
Phản hồi loạt bài Thương mại hóa lễ hội Quản lý lễ hội - không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính

Đến hẹn lại lên, bên cạnh một số chuyển biến tích cực thì các lễ hội mùa xuân với những tệ nạn như “rải rắc” tiền lẻ tràn lan dịch vụ “chặt chém” du khách, đốt đồ mã nơi công cộng… vẫn tiếp tục là điểm nóng của dư luận. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, về vấn đề này.

* PV:
Việc cấm đốt đồ mã nơi công cộng đã được ban hành nhiều năm song trong các lễ hội năm nay, tệ nạn này vẫn tồn tại. Phải chăng do xử lý chưa nghiêm?

* Ông TÔ VĂN ĐỘNG: Mâu thuẫn hiện nay là chúng ta cấm đốt đồ vàng mã nhưng lại vẫn công nhận sản xuất đồ vàng mã như một ngành nghề trong danh mục thuế. Chính vì thế, việc cấm đốt vàng mã thực ra mới chỉ giải quyết phần ngọn. Có ý kiến đề xuất cần cấm sản xuất, vận chuyển và đốt đồ mã. Bộ VH-TT-DL xác định đây là việc làm nghiêm túc đang nghiên cứu, đưa ra phương án khả thi. Tuy nhiên, đây cũng là việc vô cùng khó khăn. Khó khăn không chỉ vì việc thay đổi nghề cho những làng nghề làm đồ vàng mã mà một vấn đề liên quan đến tâm linh, đức tin của con người đã hình thành từ hàng trăm năm qua mà ngay ở khía cạnh kinh tế cũng không dễ dung hòa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Trong đó, tại điểm C, Điều 18 có quy định mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2010. Tuy nhiên công tác thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội thấy cả xe chở đầy đồ vàng mã vào lễ trong đền, nhưng do họ chưa đốt nên không xử phạt được. Có nơi gặp đốt cũng không phạt được, vì họ lại thuê trẻ em sống quanh đó đốt… vì thế đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị phạt. Song cũng phải khẳng định, việc đốt đồ vàng mã nơi công cộng cũng có chút chuyển biến. Nhiều nơi như chùa Hương chẳng hạn, việc mang đồ vàng mã vào nơi thờ cũng đã được các sư, thủ từ, thủ nhang nhắc nhở triệt để.

Rải tiền lẻ tràn lan gây phản cảm trong mùa lễ hội.

Rải tiền lẻ tràn lan gây phản cảm trong mùa lễ hội.

* Hiện tượng rải tiền lẻ bừa bãi nơi thờ tự, gây phản cảm tại các lễ hội năm nay vẫn là điểm nóng?

* Tiền “hương nhang”, tiền “giọt dầu” là tiền lễ thể hiện tấm lòng thành của người đi lễ đối với những nơi thờ tự, linh thiêng. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, nét văn hóa đẹp đó đang dần bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Trong nhiều năm qua, Bộ VH-TT-DL đã đưa nội dung này vào trong hoạt động của các đoàn thanh, kiểm tra lễ hội. Đặc biệt, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2012, thanh tra bộ cũng có một văn bản gửi các địa phương về vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiền đồng hợp lý trong các lễ hội. Văn bản cũng nêu rõ, ở một số lễ hội, di tích, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, thờ tự linh thiêng, việc sử dụng tiền mới, mệnh giá nhỏ không hợp lý ngày càng phổ biến, gây phản cảm, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích, nơi thờ tự và đặc biệt, ảnh hưởng đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Những hành động này của người tham gia lễ hội, bên cạnh việc làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian cũng gây lãng phí xã hội rất lớn, đặc biệt chi phí liên quan đến công tác in ấn, phát hành, thu đổi, kiểm đếm, phân loại, bảo quản tiền mặt...

Tuy nhiên, do đây cũng là vấn đề liên quan đến tập quán đã tồn tại khá lâu trong đời sống, vì vậy, cần có biện pháp tuyên truyền phù hợp để tạo dư luận xã hội đúng đắn, góp phần điều chỉnh hành vi của người tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, thực hành tín ngưỡng. Không chỉ dùng những mệnh lệnh hành chính để thay đổi được mà cần có sự tuyên truyền, giải thích, nhận thức để tạo ra sự chuyển biến trong thời gian tới.

* Các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như nâng giá, ép giá dịch vụ… dường như ngày một nhiều hơn?

* Dịch vụ ăn theo như hàng quán, trông gửi xe… là nhu cầu tất yếu và là một trong những hoạt động luôn gắn liền với lễ hội. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương nơi lễ hội đó diễn ra. Trong các văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý lễ hội đều chỉ rõ, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa phương mình. Nếu địa phương nào không làm tốt công tác này, để xảy ra những biểu hiện biến tướng, tiêu cực trong hoạt động lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội thì Chủ tịch UBND các cấp của địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

* Công điện 162 của Thủ tướng về chấn chỉnh, nâng cao công tác tổ chức lễ hội ban hành ngày 9-2-2011, có yêu cầu: “Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Việc mời khách Trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ VH-TT-DL”. Trong mùa lễ hội qua, vấn đề này có được thực hiện nghiêm?

* Rất tiếc là điều này chưa được các địa phương quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Từ đầu mùa lễ hội đến nay, Bộ VH-TT-DL chưa hề nhận được thông báo hay hỏi ý kiến nào từ các địa phương về việc này.

* Lễ hội đền Trần - Nam Định 2012 áp dụng phương án tổ chức mới và được đánh giá là khá thành công. Liệu đây có phải là bước tạo đà cho việc nghiên cứu tổ chức lễ hội Lim hay đền bà Chúa Kho…?

* Thực ra mỗi lễ hội đều có một tính chất và cách thức tổ chức rất khác nhau. Khó có thể lấy kinh nghiệm của lễ hội này để áp vào lễ hội khác. Tuy nhiên, điều này cũng minh chứng việc nếu thực sự có đầu tư nghiên cứu và xây dựng phương án tốt thì tiêu cực tại các lễ hội sẽ giảm. Song điều quan trọng nhất là không được hành chính hóa lễ hội, và đưa được lễ hội về đúng vị trí với chủ thể sáng tạo là chính người dân.

* Lễ hội là của dân gian, nhưng thời gian gần đây với nhiều địa phương, việc tổ chức lễ hội đã được khoác thêm một sắc áo mới là sản phẩm du lịch và vì thế, yếu tố văn hóa cũng giảm bớt, thay vào đó là những tính toán mang lại lợi ích kinh tế. Hiện tượng này sẽ được quản lý như thế nào?

* Xu hướng các địa phương “đua” nhau tổ chức lễ hội với quy mô ngày càng lớn hơn đã được cảnh báo từ nhiều năm trước với nhiều mục đích như ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã. Nắm bắt được điều này, Bộ VH-TT-DL đang khẩn trương xây dựng bản quy hoạch lễ hội. Bản quy hoạch có xác định rõ lễ hội nào thuộc cấp nào quản lý và do ai tổ chức, tổ chức với quy mô như thế nào? Đến nay, bản dự thảo về quy hoạch lễ hội đã được làm tới lần thứ 5 và dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Khi đó, hy vọng sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong mỗi mùa lễ hội.

  • Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Chấn chỉnh tiêu cực để tạo hình ảnh đẹp cho An Giang

Trước, trong và sau lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam vẫn tồn tại một số mặt tiêu cực khó giải quyết dứt điểm như hoạt động mê tín dị đoan, buôn bán “chặt chém” khách hành hương… Do vậy, năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và thị xã Châu Đốc phải tổ chức liên tục các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, kiên quyết không để phát sinh các tệ nạn như: mê tín dị đoan, mua bán gian lận, cò mồi đeo bám du khách đến viếng và tham quan, nhằm xây dựng môi trường văn hóa du lịch, văn minh thương mại trong Khu du lịch núi Sam.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND thị xã Châu Đốc và các ngành chức năng cũng phải có phương án đảm bảo an ninh trật tự; bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn giẫm đạp lên nhau gây thương tích. Riêng về vấn đề người ăn xin, phải đưa họ về một điểm tập trung; các hành vi bói toán cũng phải kiểm soát chặt chẽ lại, trường hợp vi phạm bị bắt sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

  • Ông Huỳnh Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc: Tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn cho khách hành hương

Tại khu vực vía Bà, chuyện nhiều người dân lợi dụng tâm lý hướng thiện, cầu an của khách hành hương nên phát sinh các hoạt động mê tín, hay những dịch vụ như bán chim phóng sinh, bán gạo muối… là khó tránh khỏi và rất khó kiểm soát. Ngay về giá cả thị trường cũng rất khó kiểm soát. Thời gian qua, các ngành chức năng của thị xã Châu Đốc đã lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra thường xuyên các điểm kinh doanh, buôn bán trong dịp lễ hội nhưng khi vắng bóng cơ quan chức năng vẫn xảy ra tình trạng “chặt chém” khách hành hương.

  • Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bạc Liêu: Bạc Liêu quyết tâm xây dựng không gian tín ngưỡng lành mạnh

Thời gian vừa qua do lượng du khách hành hương về Bạc Liêu ngày càng đông nên đã phát sinh khá nhiều hoạt động tiêu cực ở các chốn tôn nghiêm, tiêu biểu là Khu du lịch Quán âm Phật Đài. Lộn xộn nhất là các hoạt động móc túi, rạch giỏ xách, chen lấn, xả rác, buôn bán tranh giành khách… Để giải quyết tình trạng này, mới đây UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có cuộc họp với các ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo của tỉnh để rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp khắc phục. Sở đã kiến nghị Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu làm hàng rào phía trước tượng Phật để khách hành hương chỉ đứng ngoài ngắm, xá Phật, không chen lấn xô đẩy “đổ, hứng, uống” (du khách đổ nước suối lên tượng Phật rồi hứng uống, rửa mặt - PV) gây mất trật tự và ô nhiễm như trước. Tuy nhiên để phục vụ tín ngưỡng của người dân, Giáo hội Phật giáo tỉnh cho xây dựng Đài sen thấp phía sau tượng Phật. Tại đây sẽ có nguồn nước sạch chảy ra để khách hành hương có nhu cầu có chỗ xếp hàng lấy nước, tránh tình trạng bát nháo hiện nay.

ĐÌNH TUYỂN ghi


 VĨNH XUÂN (thực hiện)

Thương mại hóa lễ hội

- Bài 1: Tận thu và bát nháo

- Bài 2: Chém trên, chặt dưới

- GS Ngô Đức Thịnh: Hãy trả lễ hội về cho cộng đồng

Tin cùng chuyên mục