Phần thưởng EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 4-5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, kể từ cuối tháng 6 tới, người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi du lịch ngắn ngày tại các quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen mà không cần thị thực. Trước đó hôm 3-5, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố nghị định về việc bãi bỏ chế độ thị thực cho công dân các nước thành viên EU sẽ có hiệu lực đồng thời với việc các công dân Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quy chế miễn thị thực trong các nước thuộc khu vực Schengen.
Phần thưởng EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 4-5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, kể từ cuối tháng 6 tới, người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi du lịch ngắn ngày tại các quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen mà không cần thị thực. Trước đó hôm 3-5, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố nghị định về việc bãi bỏ chế độ thị thực cho công dân các nước thành viên EU sẽ có hiệu lực đồng thời với việc các công dân Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quy chế miễn thị thực trong các nước thuộc khu vực Schengen.

Trao đổi

Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ cho phép bãi bỏ chế độ thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 6 khi quốc gia này hoàn tất 5 điều kiện mà phía châu Âu yêu cầu. Quy chế miễn thị thực áp dụng với công dân Thổ Nhĩ Kỳ có hộ chiếu sinh học với dấu vân tay và ảnh chân dung rõ ràng và lưu trú tại châu Âu không quá 90 ngày.

Công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được phép tới 26 nước thuộc Hiệp ước Schengen mà không cần xin thị thực

Miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của thỏa thuận đã ký hồi tháng 3 giữa EU và Ankara. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kìm chân những người di cư bất thường từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp để vào châu Âu. Bù lại, EU sẽ tái định cư mỗi người tị nạn Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất đồng thời cho Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quy chế miễn thị thực. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn tất 72 điều kiện mà EU đặt ra. Cho đến nay, Ankara vẫn còn 5 điều kiện phải hoàn thành từ nay đến tháng 6 tới.

Theo Phó Chủ tịch EC Timmermans, thỏa thuận này đã có những tiến triển tích cực vì cho tới nay, mỗi ngày chỉ có dưới 100 người từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp so với con số hàng ngàn người hồi mùa thu năm ngoái. Bên cạnh đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, đàm phán về một thỏa thuận với Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) hay điều chỉnh luật pháp quốc gia về chống khủng bố.

EU lo ngại rằng, nếu không có thỏa thuận đi lại không cần thị thực nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không kiểm soát người nhập cư. Dòng người nhập cư và tị nạn khổng lồ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi đến châu Âu đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại các nước thành viên EU. Do vậy, theo báo Guardian (Anh), EC đã sẵn sàng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hiệp ước Schengen theo đúng thời hạn chót vào cuối tháng 6 như mong muốn của Ankara, cho dù Ankara có thể không đáp ứng đủ 72 điều kiện về chính trị và kỹ thuật liên quan kiểm soát biên giới và hộ chiếu đề ra trong hiệp ước này.

Phạt nặng các nước không nhận phân bổ người tị nạn

Trong một diễn biến có liên quan đến giải quyết vấn đề tiếp nhận người di cư, các nước trong EU nào từ chối tiếp nhận người tị nạn theo chương trình tái định cư mới của EU sẽ phải nộp phạt 250.000 EUR cho mỗi trường hợp. Theo tuyên bố của EC, ý tưởng này được thực hiện như một biện pháp nhằm trừng phạt những nước không tuân thủ quy định của EU về vấn đề người di cư, trong đó đa số là các quốc gia Đông Âu như Hungary, Ba Lan và Slovakia. Những nước này đã kịch liệt phản đối việc phân bổ 160.000 người tị nạn tới các nước EU trong năm qua.

Ngày 4-5, quan chức EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopulos cho biết, EC đã quyết định kéo dài thời gian kiểm soát biên giới tại 6 nước Hiệp ước Schengen thêm 6 tháng. Kể từ năm 2015, một số quốc gia thuộc khối Schengen đã tái áp dụng việc kiểm soát biên giới vốn được dỡ bỏ từ hơn một thập kỷ trước, để đối phó với dòng người di cư và tị nạn cao kỷ lục đổ vào châu Âu. Theo Điều 29 của hiệp ước, các nước có thể tái áp đặt kiểm soát biên giới tối đa 2 năm theo giai đoạn 6 tháng mỗi lần nếu biên giới Schengen bị đe dọa.

Theo các đánh giá khác nhau, năm 2015, hơn 1,8 triệu người di cư từ Trung Đông đã đến EU. Hiện thời hạn kiểm soát biên giới theo thỏa thuận Schengen đã hết, tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới vẫn được duy trì.


HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục