Phân vùng sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm

“Không thể hy sinh thêm môi trường cho phát triển kinh tế” - đó là ý kiến được nhiều chuyên gia môi trường nêu ra khi diễn tả về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay của Việt Nam nói chung.

Xuất phát từ thực tế này, TPHCM đã có giải pháp đột phá nhằm cải thiện chất lượng môi trường đã được thực hiện. Đó là di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm từ khu vực nội thành vào khu sản xuất tập trung và các vùng phụ cận. Đáng tiếc là chủ trương đúng này lại thực hiện thiếu đồng bộ, dẫn đến kết quả của việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chỉ là di dời ô nhiễm từ nội thành ra… ngoại thành. Và trong suốt một thời gian dài từ năm 2007 đến nay, bất chấp việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc vi phạm ô nhiễm vẫn rất khó giải quyết triệt để. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở còn đối phó với các cơ quan chức năng bằng cách đổi tên doanh nghiệp để thoát khỏi danh sách di dời.

Trên thực tế, biện pháp đối phó này đã vô hiệu hóa được nhiều cơ quan chức năng vì để có thể lập danh sách di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải mất thời gian dài với đủ thứ thủ tục hành chính phức tạp. Thế nhưng, doanh nghiệp chỉ cần đổi tên giấy phép đầu tư thì mọi công sức của cơ quan chức năng đều “đổ sông đổ biển”.

Cách xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay mà các cơ quan chức năng đang áp dụng chỉ mới giải quyết phần ngọn và chạy theo sự vụ của vấn đề. Điển hình là không riêng cơ sở sản xuất mà ngay cả khu công nghiệp hiện cũng đang nằm lẫn trong khu dân cư. Mặt khác, có những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải mất nhiều năm mới có thể xử lý xong nhưng chỉ trong vòng vài tuần sau lại có cơ sở khác cũng hoạt động đúng ngành nghề đó thế chỗ. Điều này cho thấy việc phối hợp quy hoạch, cấp phép và xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm giữa các ngành nghề hiện còn rất bất cập và chưa đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

Do vậy, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng tái ô nhiễm môi trường, trước hết, cần phải thực hiện phân vùng quy hoạch hoạt động sản xuất. Theo đó, những quận - huyện phía thượng nguồn nước thì ưu tiên cho cấp phép hoạt động những ngành nghề không nhạy cảm với môi trường. Còn những ngành nghề có nguy cơ phát sinh gây ô nhiễm nhất thiết chỉ được đầu tư ở khu vực hạ nguồn nước và không được gần khu dân cư. Trường hợp những cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư nhất thiết phải tạo được khu tập trung, mà ở đó đã có những nhà đầu tư với hạ tầng hoàn chỉnh sẵn. Kế đến, tiến hành thống kê và buộc họ phải di dời đến những khu sản xuất đã định sẵn. Việc di dời kết hợp hỗ trợ vốn để cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, giảm thiểu phát sinh chất thải ô nhiễm. Việc tạo lập những khu này cũng giúp giải quyết vấn đề nan giải từ trước đến nay là cơ sở quy mô sản xuất nhỏ, không đủ khả năng tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải cục bộ, chiếm 90% trong số tổng doanh nghiệp thuộc diện di dời hiện nay. Họ có thể lựa chọn hình thức trả phí dịch vụ xử lý chất thải phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất của mình.

Hiện nay, TPHCM đã có quy định về phân vùng xả thải. Kế đến, những loại ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng đã được xác định. Đây cũng chính là cơ sở nền để xác định chính xác quy hoạch vùng cho hoạt động sản xuất. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng ngồi lại để tạo ra chương trình di dời kết hợp cải tạo môi trường sản xuất một cách nhất quán. Từ đó, đồng bộ trong công tác triển khai thực hiện để cùng giải quyết dứt điểm tình trạng tái ô nhiễm môi trường trên. Có như vậy mới mong không tái lập những điểm nóng ô nhiễm mới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục