Sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

Sáng 4-12, Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trung ương đã tổ chức hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 (NQ36) ngày 23-11-2012 của Quốc hội.

(SGGPO).- Sáng 4-12, Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trung ương đã tổ chức hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 (NQ36) ngày 23-11-2012 của Quốc hội.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị này cho biết, sau khi có NQ36, 13 địa phương thực hiện thí điểm đã thành lập 51 Văn phòng Thừa phát lại (số lượng tối đa được phê duyệt là 63 Văn phòng).

Cụ thể, tại TPHCM, các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 của Quốc hội. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập 12 Văn phòng Thừa phát lại (trong đó 11 Văn phòng đã đi vào hoạt động, 1 Văn phòng đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép hoạt động).

Bộ Tư pháp đánh giá, các Văn phòng tại TPHCM đã ổn định và hoạt động có hiệu quả, cơ bản đảm bảo cân đối về mặt tài chính và bước đầu có lợi nhuận. Tính từ khi thành lập đến 31-10-2014, doanh thu các văn phòng trên địa bàn thành phố đạt trên 56,7 tỷ đồng.

Đối với 12 địa phương mở rộng thí điểm, đến nay đã thành lập được 39 văn phòng Thừa phát lại, trong đó một số mới được thành lập; kết quả hoạt động còn hạn chế. Tính đến hết ngày 31-10-2014, doanh thu của các văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm là gần 6,63 tỷ đồng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương triển khai mở rộng thí điểm đã xác định mục tiêu không chỉ là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mà là để thực hiện một số công việc theo quy định.

Nhìn chung, Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Thậm chí, tại TPHCM, nơi khả quan hơn cả, thì hoạt động của các văn phòng mới chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt; nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án đạt kết quả thấp. Đây cũng là tình hình chung của tất cả các văn phòng Thừa phát lại. Trong hoạt động của các văn phòng đã phát hiện một số sai sót, vi phạm cần khắc phục; đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế;...

Từ đó, kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị là tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá về Thừa phát lại, cần kết hợp nghiên cứu lý luận với điều tra xã hội, khảo sát thực địa để đánh giá kết quả hoạt động của Thừa phát lại. Đồng thời, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận của Chủ tịch nước tại buổi làm việc ngày 7-11-2014 về công tác thi hành án và về triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó thực hiện tốt việc tổng kết, báo cáo Quốc hội và tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại, không làm gián đoạn hoạt động của Thừa phát lại khi hết thời gian thí điểm.

Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một nội dung cải cách tư pháp cần tập trung thực hiện; cần được các Bộ, ngành địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

“Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; xác định việc thí điểm Thừa phát lại không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan trung ương mà còn là nhiệm vụ của địa phương”, báo cáo viết.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục